Chiều 13-7, Giáo sư (GS) Duncan Haldane (Đại học Princeton, Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý 2016) đã có buổi nói chuyện, trình bày bài giảng đại chúng về chủ đề “Vật chất lượng tử tôpô, vướng víu lượng tử và cuộc cách mạng lượng tử lần thứ 2” cùng với hàng trăm học sinh, sinh viên và người trẻ đam mê khoa học tại Trường Đại học Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Buổi nói chuyện của GS Duncan Haldane kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, được phiên dịch bởi GS Đàm Thanh Sơn (người gốc Việt, đang làm việc tại Trường Đại học Chicago, đoạt giải Dirac 2018) nên vô cùng dễ hiểu, chuyển tải được nhiều thông tin bổ ích đến các bạn trẻ.
Trong bài giảng, GS Haldane đã chia sẻ rất nhiều nội dung khá chuyên sâu về lĩnh vực cơ học lượng tử, trong đó có sáng kiến giúp ông và một số cộng sự đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016 là hiện tượng chuyển pha tôpô và pha tôpô ở vật chất.
GS Haldane chia sẻ, công trình nghiên cứu của ông được viết ra từ năm 1988, nhưng nó trải qua một thời gian dài để được giới khoa học thế giới chấp nhận. Ban đầu, công trình này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng khoa học thế giới, thậm chí có người cho rằng nó là điều phi lý.
Tuy nhiên, ông và các cộng sự vẫn bền bỉ giữ vững lập trường, không ngừng cộng tác, phản biện với các cộng đồng khoa học cho đến ngày giới thực nghiệm chứng minh điều đó là đúng.
Đặc biệt, nghiên cứu của ông lại được một nhóm nhà khoa học tại Trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc thực nghiệm thành công… “Ở Trung Quốc, họ đã đi rất xa trong ngành vật lý”, GS Haldane nói thêm.
Từ câu chuyện trên, GS Haldane khuyên các bạn trẻ đam mê khoa học tại Việt Nam rằng, trên con đường nghiên cứu khoa học, khi vấp phải những khó khăn thì chúng ta không nên từ bỏ, mà phải luôn bảo vệ lập trường của mình. Đặc biệt, các bạn phải thường xuyên tương tác với cộng đồng, đồng nghiệp và những người có tư tưởng đối lập chúng ta để nghiên cứu của chúng ta có giá trị cao hơn…
Giáo sư nhấn mạnh thêm, những ý tưởng về mặt lý thuyết vẫn chưa phải là chân lý, mà cần phải có sự tương tác của cộng đồng khoa học, và đặc biệt là phải có tính thực nghiệm như công trình nghiên cứu của ông vấp phải khi chưa được giới thực nghiệm chứng minh...
GS Duncan Haldane nói thêm, nhiều người hỏi tôi làm thế nào để đoạt được giải Nobel. Tôi trả lời rằng, các bạn không cần phải tài giỏi như Albert Einstein, mà các bạn cần sự may mắn để tìm ra được điều gì đó mới mẻ.
Giáo sư dẫn chứng, ví như chúng ta đi trên một con đường bụi bặm đầy sỏi đá, cát. Nhưng lẫn trong đó có những viên kim cương, đó là cơ hội. Việc của các bạn là phải nắm bắt lấy được "viên kim cương" đó. Muốn nắm bắt được thì chúng ta phải chuẩn bị, tận tụy tìm tòi học hỏi và phải bảo vệ những ý tưởng, lập trường của mình…
Tại buổi nói chuyện, nhiều học sinh, sinh viên cũng gửi đến GS Duncan Haldane các câu hỏi hết sức thú vị trong lĩnh vực cơ học lượng tử và con đường chinh phục đam mê khoa học. GS Haldane tập trung giải thích, trả lời nhiều vấn đề mang tính tương lai của cuộc cách mạng cơ học lượng tử lần thứ 2.
GS Duncan Haldane cho biết, con người trong tương lai có thể sẽ đối diện với nhiều thay đổi, nhất là về biến đổi khí hậu. Vì vậy, những nghiên cứu mới mẻ có tính thực nghiệm cao của các nhà khoa học sẽ đóng góp rất lớn, có thể mang tính quyết định cho cả tương lai.
Em Lê Doãn Thịnh (học sinh chuyên Vật lý, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn) đặt câu hỏi: Cuộc cách mạng cơ học lượng tử lần thứ 2 sẽ ảnh hưởng, đóng góp gì đến cuộc sống con người trong tương lai?