Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà cách mạng lão thành, dường như đã hiện diện và hiến dâng cả cuộc đời mình cho suốt cuộc hành trình đầy hào hùng của Đảng ta trong chặng đường lịch sử 80 năm qua của dân tộc ta. Gia nhập Đảng Cộng sản khi Đảng ta đang chuẩn bị ra đời, giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ trước và trong Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ lúc cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu. Nhờ sự đóng góp to lớn ấy, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được tặng thưởng các huân chương cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất và hôm nay được vinh dự nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng…
Giáo sư Trần Văn Giàu là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam. Theo bác, thì bác bước vào nghề giáo là một sự tình cờ do hoạt động bí mật lúc còn ở Sài Gòn, làm giảng viên tổ Thanh niên cộng sản do Xứ ủy Nam kỳ chỉ định, rồi làm thầy giáo của trí thức Sài Gòn những năm tiền Cách mạng Tháng Tám… Và từ năm 1951, khi bác được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao nhiệm vụ trực tiếp thành lập Trường Dự bị đại học trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp còn diễn ra quyết liệt, bác chính thức trở thành nhà giáo thực sự và trong suốt hơn nửa thế kỷ qua với “nghề giáo sư” bác Sáu Giàu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học của nước nhà, nhất là nền giáo dục đại học, được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà khoa học lớn của nước ta, có uy tín cao trong giới khoa học thế giới, chúng tôi thường gọi là cây “đại cổ thụ” trong làng khoa học Việt Nam. Suốt cuộc đời, Giáo sư Trần Văn Giàu đã liên tục sáng tạo, được giới khoa học thừa nhận “chưa có người nào viết nhiều như thế”.
Ba phần tư thế kỷ hoạt động cách mạng và nghiên cứu khoa học, Giáo sư Trần Văn Giàu đã có hơn 150 công trình khoa học với hàng vạn trang sách đã in ra. Sách của giáo sư nếu đem ra cân thì chắc chắn trọng lượng lớn hơn trọng lượng cơ thể bác; nếu đem xếp chồng lại thì cao hơn chiều cao của bác.
Trong dịp kỷ niệm giáo sư 90 tuổi (năm 2000), NXB Giáo dục có giao cho chúng tôi tuyển chọn các tác phẩm của giáo sư thành “Tuyển tập Trần Văn Giàu”. Chúng tôi đã hết sức lúng túng, khi đối mặt với hàng vạn trang sách về nhiều lĩnh vực, không biết bỏ cái gì, chọn gì, vì thấy cái gì cũng hay, trong lúc đó NXB thì chỉ cho phép chúng tôi được chọn không quá 1.500 trang khổ 16 x 24cm, cỡ chữ 12. Làm ăn là phải theo hợp đồng, dù có tiếc, nhưng phải chấp nhận. Đến tham khảo ý kiến, Giáo sư Trần Văn Giàu trả lời : “Tùy mấy chú, 1.500 trang cũng nặng ký rồi”.
Các công trình khoa học của Giáo sư Trần Văn Giàu đã để lại một dấu ấn riêng, một phát hiện mới và những quan điểm đầy thuyết phục, thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và tính khoa học. Các công trình của giáo sư đề cập đến nhiều lĩnh vực KHXH, nhưng nhiều nhất vẫn là văn, sử, triết.
Giáo sư Vũ Khiêu, người đồng nghiệp thân cận của Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói: Các tác phẩm về sử học của Giáo sư Trần Văn Giàu đều có sự hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết. Ở giáo sư, trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học. Cái hiện tượng văn, sử, triết bất phân trong di sản trí tuệ Việt Nam và ở các nước phương Đông được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của Giáo sư Trần Văn Giàu đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.
Tìm hiểu những công trạng vinh quang của Giáo sư Trần Văn Giàu trên những lĩnh vực chính, những cương vị chính trên đây và qua sự gần gũi với giáo sư trong những năm giáo sư tuổi đã già sức đã yếu mà vẫn thủy chung, miệt mài với cái nghiệp của mình, tận tụy trong công tác sáng tạo khoa học, đào tạo, lo lắng tập hợp lực lượng nghiên cứu khoa học, nghĩ nhiều đến lý tưởng cách mạng tôi vô cùng khâm phục và cảm động. Cảm nhận đầu tiên của tôi đối với bác Sáu Giàu, đó là con người lao động.
Bác tâm sự : từ lúc tham gia cách mạng đến nay, tính ra chỉ có 31 ngày không lao động, đó là lúc bị thực dân Pháp cầm tù trong căn phòng chưa đầy 4m², bốn bề cách biệt ở nhà lao Côn Lôn. Quả vậy, những công trình đồ sộ, uyên thâm của bác, những thế hệ nhà giáo đầy tài năng và uy tín do bác đào tạo đã nói lên thành quả lao động của Giáo sư Trần Văn Giàu.
Những năm gần đây, đã bước vào tuổi bách niên, bác Sáu vẫn miệt mài với bao công trình, công việc khoa học. Cách đây vài năm về trước, tôi đến thăm bác lần nào cũng thấy bác đang làm việc, lúc thì ngồi ở bàn viết, lúc nằm võng hay ngồi “ghế bành”… Đã nhiều lần bác Giàu “tuyên bố” sau công trình lịch sử Việt Nam do bác chủ biên, bác sẽ không làm đề tài nào nữa. Nhưng cái máu của người lao động đâu cho phép bác thực hiện lời tuyên bố đó. Khi chuẩn bị Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2, Giáo sư Trần Văn Giàu, lúc đó đã 93 tuổi, đã dày công chuẩn bị báo cáo khá dài. Đã 93 tuổi, vẫn tự tay nắn nót những dòng chữ chi chít về sự kiện lịch sử và những triết lý sâu sắc… Bác Sáu Giàu thật xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động mà Nhà nước đã trao tặng.
Bác Sáu Giàu là người tâm huyết, thủy chung, kiên trì với lý tưởng, với con đường đã chọn. Bác đã có hàng ngàn trang sách viết về chủ nghĩa yêu nước, về Đảng, về Bác Hồ, về Quốc tế Cộng sản, về kháng chiến chống xâm lăng… Và khi đã ngoài 90 tuổi, bác vẫn say sưa nhiệt tình như thuở nào khi diễn thuyết hay lúc tâm sự về những vấn đề liên quan đến lý tưởng cách mạng.
Chúng tôi thường tâm sự: khi nào thấy oải với những trớ trêu trong cuộc sống hiện tại thì đến nhà bác Sáu uống rượu để củng cố tinh thần. Với giọng nói lúc nhẹ nhàng, lúc lên cao tột độ kèm theo những động tác chỉ tay mạnh mẽ, lúc lại nở nụ cười nhân hậu, tất cả đều diễn tả nỗi khát vọng lớn lao, lòng thủy chung son sắt, và có lúc biểu hiện cả nỗi đau…
Vào đầu thế kỷ 21, có đoàn các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Nga sang ta cùng trao đổi về thực trạng và viễn cảnh của chủ nghĩa xã hội. Giáo sư Trần Văn Giàu đã bức xúc đặt câu hỏi đã được ấp ủ lâu nay mà chưa thể giải thích được: tại sao năm 1991 khi Đảng Cộng sản Liên Xô còn hàng triệu đảng viên và hơn chục triệu đoàn viên thanh niên cộng sản mà lại bị sụp đổ một cách êm ru.
Một nhà khoa học Nga, vốn là một đảng viên cộng sản Liên Xô trước đây đã trả lời: Nếu như Đảng Cộng sản Liên Xô có những đảng viên như Giáo sư Trần Văn Giàu thì Đảng đã không sụp đổ. Quả vậy, trong những năm gần đây, bên cạnh những chuyên đề khoa học, bác suy nghĩ nhiều về những vấn đề liên quan đến “đảng tình, quốc tình, thế tình”, đặc biệt là vấn đề lý tưởng cách mạng, lý tưởng cộng sản.
Khi phong trào cánh tả theo xu hướng XHCN ở Nam Mỹ phát triển, bác Sáu rất vui. Bức ảnh chụp chung giữa Tổng thống Venezuela và Bolivia đăng trên báo Nhân Dân được bác cắt để vào khung kính rất trân trọng để ngay trên bàn làm việc của bác.
Giáo sư Trần Văn Giàu là hạt nhân tập hợp lực lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Ai đến với bác Sáu Giàu cũng được. Cổng nhà bác chỉ khép hờ, ít khi khóa. Dù tuổi già, chân hơi yếu, nhưng những cuộc họp liên quan đến khoa học xã hội, đến đào tạo, hay kỷ niệm những sự kiện và nhân vật lịch sử…, bác Sáu Giàu luôn luôn có mặt và phát biểu say sưa nhiệt tình như thuở… chưa già. Có lẽ, không mấy ai cũng được như vậy.
Thời gian gần đây do sức khỏe yếu, bác ít tham gia các cuộc họp, nhưng lãnh đạo thành phố hay chúng tôi đến thăm bác, bác đều căn dặn cố gắng làm tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”; bác luôn dặn: Học Cụ Hồ trước hết phải làm gương, nêu gương, giữ mình cho tốt, cho sạch.
Thế hệ chúng tôi, nhất là những người công tác trong cơ quan nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội luôn coi đó như là một ân huệ, một thông điệp mang tính chỉ giáo vừa cụ thể vừa nghiêm khắc, một đòi hỏi đồng thời là niềm tin hy vọng của bác Sáu – Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có 80 năm tuổi Đảng Trần Văn Giàu đối với các thế hệ tiếp nối con đường của giáo sư.
PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN