Giáo sư Nguyễn Đức An: AI không thể thay thế nhà báo

“AI không thể có mặt tại hiện trường tai nạn, không thể cảm nhận nỗi đau hay phát hiện sự gian dối qua ánh mắt – đó là những điều nhà báo làm được”, Giáo sư Nguyễn Đức An khẳng định tại tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?” diễn ra ngày 8-4 tại Hà Nội.

Các vị diễn giả, khách mời tại buổi tọa đàm
Các vị diễn giả, khách mời tại buổi tọa đàm

Chương trình do CLB Cafe Số phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông tổ chức, nhằm phân tích lợi ích, rủi ro của AI trong nghiệp vụ báo chí, đồng thời nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của con người trong nghề làm báo.

Trong vai trò diễn giả, GS Nguyễn Đức An – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu (ĐH Bournemouth, Anh) – nhìn nhận AI đang giúp các tòa soạn tự động hóa nhiều công việc thường nhật như tổng hợp dữ liệu, chuyển ngữ, tạo nội dung theo khuôn mẫu, góp phần nâng cao năng suất và phục vụ thị trường ngách.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “AI không thể thay thế các nhà báo mà chỉ giúp họ có thêm thời gian để thực hiện những công việc cần sự hiện diện, cảm xúc và trực giác nghề nghiệp”. Theo ông, AI có thể hỗ trợ mạnh mẽ về công nghệ, nhưng lại thiếu khả năng tư duy bối cảnh, không có chuẩn mực đạo đức khi lựa chọn thông tin, cũng như không thể truyền tải các câu chuyện báo chí một cách tinh tế, nhân văn.

GS An cảnh báo, nếu không kiểm soát tốt, AI có thể “gia cố” các định kiến xã hội, tạo ra thông tin sai lệch hoặc bị các nhóm xấu lợi dụng để làm ô nhiễm môi trường tin tức. Trong bối cảnh đó, vai trò “người gác cổng thông tin” của nhà báo càng trở nên quan trọng hơn.

424038c7-7890-4fde-a9f4-470d528debb1.jpg
GS Nguyễn Đức An, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu, Đại học Bournemouth.

Đồng quan điểm, TS Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông – cho rằng AI không thể thay thế nhà báo, nhưng người làm báo phải không ngừng nâng cao kỹ năng để không bị tụt lại. “AI không lấy mất việc của nhà báo, mà chính sự lười cập nhật mới khiến họ bị thay thế,” ông nói. Chương trình đào tạo báo chí hiện nay cũng được cập nhật liên tục để sinh viên không chỉ làm báo tốt mà còn làm truyền thông hiệu quả.

Ở góc độ chính sách, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách & Phát triển Truyền thông – cho rằng AI đang mở ra xu hướng nội dung cá nhân hóa theo hành vi người dùng. Do đó, các tòa soạn cần tận dụng AI để xây dựng chiến lược dữ liệu độc giả, thay vì chỉ sản xuất nội dung đại trà. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, các cơ quan báo chí cần tiếp cận AI một cách tỉnh táo, có kiểm chứng, không “thần thánh hóa” công nghệ.

Tin cùng chuyên mục