Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam và vinh danh Giáo sư Hoàng Châu Ký với mong muốn ghi nhận những đóng góp của Giáo sư đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Theo đó, tọa đàm thu hút nhiều tham luận xoay quanh các vấn đề: Bối cảnh thời đại và xã hội tác động đến phong cách, xu hướng sáng tác của Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật tuồng; Giá trị của các công trình nghiên cứu lý luận của Giáo sư Hoàng Châu Ký với công tác nghiên cứu lý luận, phê bình sân khấu tuồng và nghệ thuật sân khấu; Đóng góp của Giáo sư với sự nghiệp giáo dục nghệ thuật sân khấu.
Cụ thể, có 4 tham luận đánh giá tổng quan về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của Giáo sư trong suốt quá trình hoạt động của mình; 9 tham luận đi sâu phân tích về phong cách, xu hướng sáng tác và giá trị các công trình nghiên cứu cùng những tác phẩm và 6 tham luận đề cập đến những đóng góp của ông đối với công tác đào tạo, phát triển ngành nghệ thuật sân khấu và định hướng bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Theo Đạo diễn Hoàng Hoài Nam (con trai Giáo sư Hoàng Châu Ký), Giáo sư Hoàng Châu Ký đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo tồn, kế thừa và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam.
Đạo diễn Hoàng Hoài Nam chia sẻ về người cha của mình, giáo sư Hoàng Châu Ký |
"Giáo sư Hoàng Châu Ký suốt đời đau đáu với nghệ thuật sân khấu dân tộc và luôn lo lắng “không còn đủ quỹ thời gian” để cùng mọi người tiếp tục sự nghiệp. Nhưng thời gian còn đó với chúng ta, với các đồng nghiệp trẻ tuổi. Tôi tin chắc rằng, dù công việc nghiên cứu, thực nghiệm gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ thu được kết quả. Kết quả dù rất nhỏ cũng cần được nâng niu, trân trọng để sân khấu kịch hát của chúng ta sẽ đạt được thành tựu rực rỡ, đóng góp vào vườn hoa văn hóa nghệ thuật đầy hương sắc của thế giới", Đạo diễn Hoàng Hoài Nam chia sẻ.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.
Nói đến nghệ thuật tuồng xứ Quảng, chúng ta phải nói đến Giáo Sư Hoàng Châu Ký với những đóng góp đồ sộ và tình yêu lớn lao mà ông dành cho nghệ thuật tuồng.
Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản mà Giáo sư Hoàng Châu Ký đã để lại nói riêng và nghệ thuật tuồng nói chung.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Thời gian qua, với sự quan tâm của chính quyền TP Đà Nẵng và sự đồng lòng, chung sức, tận tâm, yêu nghề của các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã giúp nghệ thuật tuồng tại TP Đà Nẵng lan tỏa, mang một sức sống mới.
Nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật tuồng, nhiều hoạt động được tổ chức. Đặc biệt, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Sở VH-TT tiếp tục cùng đồng hành với các nghệ sĩ, nghệ nhân thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản nghệ thuật tuồng, để những giá trị này cùng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người Đà Nẵng.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những định hướng, giải pháp thỏa đáng trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị của nghệ thuật bác học này trong bối cảnh vừa phải đạt được mục tiêu giữ gìn, phát triển nghệ thuật truyền thống vừa phải thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng, tác động mạnh mẽ từ môi trường xung quanh khi xu hướng nghệ thuật, xu hướng nghe nhìn, cảm thụ của khán giả đã có nhiều thay đổi.