Họa sĩ Vĩnh Phối sinh năm 1938, tại Huế. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa (1958) và khoa Sư phạm (1959) Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn; sau đó học hội họa, điêu khắc ở Học viện Mỹ thuật La Mã và nghiên cứu mỹ thuật ở Viện Đại học La Mã, Italia (1960 - 1966). Ông từng là Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967 - 1975) và nguyên Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế (1976 - 1999)…
° Phóng viên: Thưa GS Vĩnh Phối, được biết triển lãm Không gian và tiết điệu II ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM là chuyến “về nguồn” đầu tiên của ông đối với Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn?
° GS - HS VĨNH PHỐI: Đó là cách gọi ví von của những người bạn cũ ở TPHCM, nhân thời gian tới đây là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Thật cảm động, qua triển lãm tôi đã gặp được đồng nghiệp, học trò, bạn bè, thân hữu, như họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, Lê Bá Đảng, Nguyễn Lâm, Uyên Huy, Kim Quỳ, Lê Xuân Thịnh, Nguyễn Bá Trọng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời, bác sĩ Trương Thìn…
° Triển lãm đánh dấu chặng đường nghệ thuật hơn 50 của ông. Quan niệm nghệ thuật của họa sĩ có thay đổi qua mỗi giai đoạn sáng tác?
° Tôi đã có thời gian dài học mỹ thuật ở Italia, chắc chắn các trào lưu nghệ thuật châu Âu đã có ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác. Một nhà phê bình từng nhận xét tác phẩm sáng tác trong thời kỳ đầu của tôi phảng phất dấu vết Alberto Giacometti, Jean Arp, Joan Miró, Henry Moore, Umberto Boccioni… Về sau, tôi vẽ theo khuynh hướng hiện thực, có lúc vẽ trừu tượng; rồi hiện thực xã hội chủ nghĩa; gần đây là bán trừu tượng, biểu hiện. Nhưng, dù vẽ theo khuynh hướng nào, bút pháp nào, quan niệm nghệ thuật của tôi cũng luôn hướng đến con người, hướng đến cuộc sống.
° Với quan niệm trên, họa sĩ đã thể hiện qua triển lãm Không gian và tiết điệu II như thế nào?
° Tư tưởng sáng tạo nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ cảm xúc thẩm mỹ trong tâm thức nghệ sĩ, từ hiện thực được phản ánh. Và, thông qua tác phẩm, cuộc sống tiềm ẩn được biểu lộ. Một lẽ nữa, tâm đắc quan niệm tìm về văn hóa truyền thống dân tộc, tìm sự hòa hợp giữa phương Đông và phương Tây của người thầy - họa sĩ Lê Văn Đệ, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Đông Sơn, văn hóa thời Lý Trần, thời Nguyễn… Đại khái, sự vận dụng này được thể hiện qua các bức vẽ Chiến sĩ Đông Sơn, Hùng Vương, Ngựa đá lăng Gia Long, Ngọ Môn Huế, Dòng Hương giang, Lễ hội hoa đăng…
° Trong phòng tranh của ông còn có bức Lửa thiêng, Vũ trụ và con người… Các đề tài này làm người xem liên tưởng đến thơ Huy Cận?
° Một nhận xét thú vị! Có lẽ tôi đã tìm thấy sự đồng cảm với nhà thơ Huy Cận về ý nghĩa Lửa thiêng. Tôi nghĩ Lửa thiêng là ngọn lửa của sáng tạo, đồng thời cũng là cảm thức của nghệ sĩ về thời đại. Ví dụ: Những năm 70 của thế kỷ XX, cảm thức trong thời chiến tranh, từ tiếp xúc với bạn bè sinh viên đấu tranh, xuống đường ở Huế, tôi đã vẽ Mảnh da beo. Kế đến, phản ứng việc đảo Hoàng Sa bị xâm chiếm, tôi vẽ bức Chiến thuyền tiền sử… Trong tâm thế một trí thức, một nghệ sĩ, tôi dễ nhạy cảm với những đổi thay trong cuộc sống. Vì vậy, những trăn trở, suy nghiệm đã thôi thúc tôi diễn tả nội tâm qua nhiều tác phẩm. Trong triển lãm, các tác phẩm vẽ theo khuynh hướng bán trừu tượng, biểu hiện, tiêu biểu: Chuyển động tâm thức, Hóa thân, Cấu trúc đô thị I, II, Vũ trụ và con người, Vũ trụ và môi trường, Nhịp sống, Ngược dòng Thời gian và không gian…
° Tranh trừu tượng khó tìm người “tri kỷ”. Vậy mà, từ cuộc triển lãm vừa qua, họa sĩ đã bán được 22 tác phẩm và các bức vẽ theo khuynh hướng trừu tượng chiếm tỷ lệ hơn phân nửa?
° Đúng vậy. Các bức tranh thuốc nước vẽ từ những năm 1961, 1962, mô tả sông Seine ở Paris hoặc ghi nhận góc phố ở Rome… đã được người quen sưu tập. Phần còn lại là những bức sơn dầu sáng tác về sau này, theo khuynh hướng hiện thực hoặc trừu tượng cũng được một số nhà sưu tập lựa chọn. Bán được tranh là sự khích lệ sáng tác đối với nghệ sĩ; nhưng theo tôi, càng đáng mừng khi có thêm khách yêu hội họa trừu tượng.
° Mỗi thời đại đã tạo cho giới trẻ có cách tư duy nghệ thuật khác. Tuy điều kiện hoạt động ở các trường mỹ thuật ở Hà Nội, Huế, TPHCM chưa đồng đều, nhưng nhìn chung, tôi thấy các họa sĩ trẻ khá năng động. Qua các cuộc triển lãm mỹ thuật, giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, qua những buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm của sinh viên ở Festival Huế, các trại sáng quốc tế… đã cho thấy khát vọng tìm tòi và sáng tạo mạnh mẽ của lớp họa sĩ, điêu khắc trẻ Việt Nam trong thời hội nhập mới. Chúng ta có quyền kỳ vọng ở bản lĩnh dân tộc của họ!
° Xin cảm ơn giáo sư.
Kim Ửng