Sáng ngày 27-2-2016, tại Nhà sách Phương Nam (Đường sách Nguyễn Văn Bình) NXB Tổng hợp TPHCM đã trang trọng tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu cuốn sách Tổng tập Ca Văn Thỉnh. Tham dự buổi giao lưu có đông đảo các nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hóa xã hội, các giảng viên, sinh viên các trường đại học và bạn đọc của thành phố.
Tại buổi giao lưu, giới thiệu sách Tổng tập Ca Văn Thỉnh. Ảnh: TƯỜNG VÂN
Con đường văn chương - Con đường cách mạng
Cố GS Ca Văn Thỉnh, bút danh Ngạc Xuyên, được ghi nhận bởi những công trình nghiên cứu văn hóa, văn học Nam bộ từ những thập niên 30 của thế kỷ trước. Trước Cách mạng Tháng Tám, những bài viết của ông từng xuất hiện trên các báo Đồng Nai, Tri Tân, Đại Việt… Từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến khi qua đời, ông tiếp tục có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu được đăng tải và công bố, nhưng còn rất nhiều bài viết chưa được ra mắt bạn đọc. Lần đầu tiên, những di cảo gia đình còn lưu giữ cùng với những công trình do Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ sưu tập được đã được NXB Tổng hợp TPHCM tổng hợp khá đầy đủ, hệ thống và giới thiệu với bạn đọc.
GS Ca Văn Thỉnh sinh trưởng trong một gia đình nghèo. Là người sáng dạ, ông chịu khó học hành, năm 17 tuổi ông đậu bằng thành chung, được nhận học bổng tại trường Sư phạm Sài Gòn. Tại đây, ông tham gia phong trào học sinh sinh viên, đọc báo Cái chuông và nghe chí sĩ Nguyễn An Ninh diễn thuyết. Ra trường ông về quê dạy học sau đó tiếp tục được học bổng của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, là trường sư phạm cao nhất Đông Dương thời bấy giờ. Trong thời gian này ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Đây cũng là giai đoạn mở đầu, ông chính thức dùng ngòi bút làm phương tiện đấu tranh, với tác phẩm đầu tiên là vở cải lương Bầu nhiệt huyết, lấy bút danh Ngạc Xuyên, có nội dung về anh hùng Nguyễn Trãi, nhằm khơi gợi lòng yêu nước của đồng bào, nhưng bị nhà cầm quyền Pháp cấm diễn.
Tốt nghiệp, ông trở về Bến Tre làm công tác quản lý giáo dục, dạy học và bắt đầu nghiên cứu văn hóa, văn học Nam bộ. Lịch sử con người Nam bộ là những nội dung được ông quan tâm, trong đó có những nhân vật tiêu biểu như Võ Trường Toản, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu… Vốn ngôn ngữ phong phú cả Hán văn và Pháp văn đã giúp ông rất nhiều trong công tác khảo cứu những tư liệu xưa và nay, nhờ đó tầm hiểu biết của ông có chiều sâu lẫn chiều rộng, có luận cứ chắc chắn, nên nhiều bài có tính chất khảo cứu, tính chất tranh luận của ông đã được đăng tải trên các báo chí đương thời bấy giờ…
Tháng 8-1945, GS Ca Văn Thỉnh tham gia cướp chính quyền ở Bến Tre và được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh. Năm 1946, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Đặng Thai Mai giới thiệu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1946, ông được Bác Hồ giao chức Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiêm nhiệm Vụ trưởng Vụ Sư phạm. Nam bộ kháng chiến, ông trở về Nam tham gia Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, có thời gian kiêm chức Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ… Sau năm 1954, ông lần lượt trải qua nhiều trọng trách: Công tác ở Bộ ngoại giao, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Indonesia, Tiếp quản Viện Viễn Đông Bác Cổ và Viện Bảo tàng, Giám đốc Thư viện Khoa học Trung ương, Đại diện Thương mại của Việt Nam tại Campuchia… Sau năm 1975, ông đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện khoa học Xã hội miền Nam…
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Long Trảo: Trong 85 năm của cuộc đời Ca Văn Thỉnh, người ta thấy hình ảnh của ba con người hoạt động trên ba lĩnh vực khác nhau. Trước tiên ông là người cán bộ cách mạng tận tụy, một đảng viên kiên trung với một ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn nghiêm chỉnh chấp hành vô điều kiện mọi sự phân công của Đảng. Cuộc đời ông từ khi bước chân vào con đường phục vụ cách mạng, công việc bao nhiêu lần thay đổi, qua nhiều lĩnh vực rất khác nhau. Kế đến ông là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn học sử, đặc biệt là văn học sử Nam bộ. Có thể nói, ông là nhà Nam bộ học hàng đầu của Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên đề cập việc khai thác dòng văn hóa yêu nước Nam bộ. Thứ ba, ông là nhà giáo dục tâm huyết. Ông từng tâm sự, làm giáo dục thời thuộc Pháp rất khó, cho dù muốn khơi dậy lòng yêu nước trong học sinh, ông chỉ có thể lồng vào các môn học khác. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tham gia vào ngành giáo dục, ông mới có điều kiện để thực hiện những ấp ủ của mình về giáo dục thế hệ trẻ. Từ năm 1954 cho đến cuối đời ông đã hoàn thành công trình Xây dựng con người mới từ tuổi thơ.
Theo nhà nghiên cứu Mạc Đường, về văn học Nam bộ không ai qua được GS Ca Văn Thỉnh: “Tôi rất kính phục tầm hiểu biết sâu sắc về văn học, văn hóa và con người Nam bộ của ông. Giáo sư làm văn để làm tư liệu lịch sử, là văn liệu. Ông xứng đáng được xếp vào hàng nhà sử học danh tiếng nhất của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, sau năm 1975 Đại tướng Trần Văn Trà đã giao cho cụ Huỳnh Văn Tiểng và GS Ca Văn Thỉnh tổ chức cuộc họp mặt đầu tiên của giới nhân sĩ trí thức Sài Gòn. Các tác giả văn học, nghệ sĩ, bác sĩ, trí thức… đều kính trọng trình độ và nhân cách của hai ông”.
Bìa cuốn sách Tổng tập Ca Văn Thỉnh
Một đời thanh bạch
GS Ca Văn Thỉnh có 6 người con: Ca Lê Dân, Ca Lệ Du, Ca Lê Thuần, Ca Lê Hồng, Ca Lê Thắng, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân, đã hy sinh). Có những thời điểm cả gia đình ông, vợ chồng con cái cùng tham gia cách mạng. NSƯT Ca Lê Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) nhớ lại: Cha tôi sống rất thanh bạch, suốt đời tâm huyết với lịch sử văn hóa Nam bộ, với đất nước. Cũng như bao gia đình khác, cuộc sống của chúng tôi cũng trải qua những năm tháng khó khăn nhưng cha tôi luôn dạy chúng tôi học gương của Bác Hồ: “Cần, kiệm, liêm, chính. Chí công vô tư”. Ba dạy chúng tôi lối sống phải biết trước, sau: “Ở đời lo nghĩ trước và sau/ Trước hết lo người nghĩ mình sau/ Mình vẫn hưởng sau, người hưởng trước/ Tự mình trách trước, trách người sau…/ Mọi lợi ích chung lo nghĩ trước/ Lợi ích riêng mình chỉ lo sau”.
Trong số các người con của giáo sư, nhiều người chịu ảnh hưởng của ông đi theo con đường nghệ thuật khá thành công, tham gia công tác quản lý. Nghệ sĩ Ca Lê Hồng chia sẻ: “Cha tôi vẫn dạy chúng tôi rằng, làm gì cũng được, phải yêu thích và say mê mới thành công. Khi tôi mới tham gia biểu diễn, ông góp ý cho tôi từng vai diễn. Ông học tập từ Bác Hồ và dạy chúng tôi cách thể hiện giản dị, trong sáng với những ngôn từ đẹp nhất của tiếng Việt. Ba thường nhắn nhủ chúng tôi bằng những câu thơ, văn vần cho dễ nhớ. Ngày tôi lên đường đi học ở Liên Xô, ông đã viết rằng: “Sống như em Hiến, chị Ba/ Học như ong mật tìm hoa ngày ngày”. Anh chị em chúng tôi chịu nhiều ảnh hưởng của cha về nghệ thuật, về lối sống trung thực, tận tâm, giản dị nên khi tham gia công tác quản lý, chúng tôi không có thói ỷ vào quyền lực mà gần gũi anh em bằng cái tâm của mình để tập hợp nhân tài…”.
Trong những trang nhật ký của GS Ca Văn Thỉnh còn ghi lại nhiều trăn trở, tâm tư và tình cảm của ông với các con, trong đó nhiều nhất là những cảm xúc với Ca Lê Hiến - người con trai đã hy sinh. Năm 1975, trở về Nam, khi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất ông đã xúc động: “Con ơi! Ba đã về rồi, ba chục năm xa cách/ Tân Sơn Nhất hiện lên “Dáng đứng Việt Nam”/ Hiện thân con. Máu xương xây đài chiến công lịch sử/ Tiếc thân tằm còn nặng nợ/ Không kịp nhả tơ mừng khúc khải hoàn ca”.
… Theo GS Vũ Khiêu: “Tổng tập Ca Văn Thỉnh là tư liệu vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu khoa học trong việc tìm hiểu những đặc trưng văn hóa của vùng đất Nam bộ. Từng trang từng trang của cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc sự gợi nhớ sâu xa của mỗi người chúng ta về một thời lịch sử vẻ vang hào hùng của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung”.
Công trình Tổng tập Ca Văn Thỉnh đã được Thành ủy TPHCM đầu tư kinh phí xuất bản.
VIỆT HÀ