Hội né tránh
Những ngày qua, việc ca sĩ Ngọc Sơn, được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen, trong đó có phong tặng danh hiệu “giáo sư âm nhạc” đã thực sự gây sốc. Việc PR để đánh bóng tên tuổi bằng các danh hiệu… thông qua các cuộc thi, các liên hoan đã được nhắc đến nhiều, đặc biệt là trong showbiz (với hàng loạt các danh hiệu mới xuất hiện như hoa hậu ao làng, người đẹp hội chợ…), nhưng việc gắn thêm một chức danh mang đầy tính học thuật “giáo sư âm nhạc” là lần đầu.
Ngọc Sơn nổi danh không chỉ với chất giọng lạ trong dòng nhạc Bolero, mà ca sĩ này còn nổi như cồn bởi các scandal. Nhờ chất giọng đặc biệt, Ngọc Sơn có khá nhiều fan. Song có lẽ do thành danh sớm, Ngọc Sơn cũng nổi tiếng với những phát ngôn, việc làm gây sốc và lối sống buông thả, điều đó khiến anh vướng vào vòng lao lý khi tuổi mới đôi mươi. Khi ấy, nhiều người cho rằng, anh trẻ người non dạ, nhưng ở thời điểm này, khi đã có độ chín, việc trưng ra bằng khen có ghi chức danh “giáo sư âm nhạc” phải chăng là chiêu trò của ca sĩ này?
Hiện Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam né tránh, không trả lời những thắc mắc của dư luận về sự việc trên. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, sở dĩ có việc “phong” chức danh là do trong hồ sơ của ca sĩ gửi lên hội có đề rõ như vậy… Dù “quả bóng” trách nhiệm đã đẩy về chân ca sĩ, nhưng lý do gì thì cũng không thể chấp nhận, bởi việc tặng bằng khen cần phải có sự thẩm định kỹ lưỡng vì đây còn là uy tín của tổ chức hội.
Cơ sở nào để phong tặng?
Xung quanh việc xuất hiện chức danh “giáo sư âm nhạc”, TS Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương nói, đó chính là một hình thức đánh lận con đen, vàng thau lẫn lộn. Ông nhấn mạnh, trong lĩnh vực VHNT đã có nhiều chức danh do Nhà nước phong tặng, cụ thể như trong lĩnh vực văn hóa dân gian có danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân; hay NSƯT, NSND… Đối với việc trao tặng bằng khen, ngoài các danh hiệu vinh danh của Nhà nước thì các hội chuyên ngành về VHNT như hội nhạc sĩ, hội nghệ sĩ sân khấu... đánh giá về những thành tích, đóng góp của các nghệ sĩ, ca sĩ… Còn Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam với lĩnh vực hoạt động là tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… dựa vào cơ sở nào lại trao danh hiệu văn hóa như vậy? “Việc phong tặng như thế, vô hình trung làm rối loạn công tác quản lý của nhà nước”, TS Phan Đình Tân nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng, Bộ VH-TT-DL cho rằng: “Đó là trò PR thiếu văn hóa!”. Theo ông Cẩn, không có chức danh giáo sư âm nhạc, mà chỉ có giáo sư chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc hoặc giáo sư chuyên ngành âm nhạc học. Chức danh giáo sư và phó giáo sư nhà nước có một hội đồng học hàm do Bộ GD-ĐT là cơ quan thường trực xét tặng. Hàng năm, hội đồng sẽ họp, xem xét phong danh hiệu. Không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào được thay thế hội đồng để làm việc đó. Ông Phùng Huy Cẩn cũng cho biết, hiện nhà nước không cấm các hội trao bằng khen, khen thưởng. Tuy nhiên, việc khen thưởng phải được thực hiện đúng pháp luật. “Trong điều lệ của hội, cũng phải được Bộ Nội vụ cho phép làm việc đó. Nếu không là trái luật”.
Về việc “loạn” phong tặng danh hiệu văn hóa thời gian qua, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng đã nhiều lần lên tiếng, thậm chí có văn bản gửi tới các cơ quan chủ quản của các hội liên quan đề nghị chấn chỉnh để tránh gây hiểu nhầm. Song như “ném đá ao bèo”, nhiều tổ chức đánh đúng tâm lý sính danh hiệu của các cá nhân và việc phong tặng danh hiệu văn hóa vẫn tiếp tục tiếp diễn ở nhiều địa phương. Theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, chưa nói về tính pháp lý của những tấm bằng này, mà chỉ xét khía cạnh cấp phát danh hiệu với những tiêu chí mơ hồ, thiếu khoa học đã khiến xã hội bức xúc, thiếu niềm tin.