Về huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi bắt gặp anh Y M’Lô Niê (ngụ huyện Krông Búk) đi ra từ trụ sở công an huyện, trên xe chở nhiều gạo, mì tôm. Hỏi chuyện mới biết, anh Y M’Lô vừa mang khẩu súng tự chế mà anh đã cất giấu 13 năm qua để giao nộp cho công an.
Đổi lại, anh được tặng gạo và một số nhu yếu phẩm. Nói về việc tự nguyện “chia tay” khẩu súng tự chế, anh vui vẻ nói: “Nhà mình sống gần rừng nên mình lên mạng học chế tạo súng cồn để săn chim, thú và bảo vệ nương rẫy. Một thời gian dài mình cũng không dùng mà cất giấu trong nhà. Vừa rồi, mới hay tin công an vận động giao nộp vũ khí, mình thấy việc cất giữ súng là không đúng nên mang đến nộp ngay. Mình bất ngờ và vui vì khi nộp súng, mình còn được tặng quà”.
Là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc anh em, do thói quen trong sản xuất nên người dân các tỉnh vùng Tây Nguyên thường sử dụng súng tự chế để bảo vệ nương rẫy, săn thú. Nhưng khi được chính quyền các cấp vận động giao nộp, nhiều người dân ở huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) hưởng ứng mạnh mẽ. Chỉ 2 tháng sau khi mở cuộc vận động, người dân địa phương đã giao nộp cho công an huyện hàng trăm khẩu súng, vật liệu nổ các loại, trong đó có nhiều vũ khí quân dụng.
Thượng tá Nguyễn Công Hòa, Trưởng Công an huyện Ea H’leo, cho biết: “Tâm lý người dân đều ngại giao nộp vũ khí vì sợ bị xử phạt. Vì thế, họ thường cất giấu trong nhà. Điều này vô cùng nguy hiểm. Khi công an huyện phát động chương trình đổi gạo lấy vũ khí, người dân đồng thuận hưởng ứng, qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực”.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười có thư kêu gọi người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), cho biết, sau lời kêu gọi, hàng trăm già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn, buôn trên địa bàn huyện hỗ trợ lực lượng công an vận động người dân giao nộp vũ khí. Qua đó, lực lượng công an đã thu hồi được hàng trăm khẩu súng các loại.
“Thời gian tới, chúng tôi tổ chức cho người dân ký cam kết không vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nói thêm.
Tương tự, tại tỉnh Gia Lai, lực lượng công an tỉnh vừa tổ chức lễ phát động tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Sau phát động, công an các địa phương đã thu hồi hàng trăm khẩu súng quân dụng, súng tự chế, vũ khí thô sơ.
Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cho biết, trên địa bàn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Người dân có thói quen tự chế tạo súng để săn bắn chuột, bảo vệ nương rẫy, hoa màu. Từ trước đến nay, hệ thống chính trị xã đã tổ chức tuyên truyền việc sử dụng, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ là sai, đồng thời vận động người dân giao nộp.
“Điều rất mừng là sau khi được tuyên truyền, người dân đã biết được trách nhiệm, nghĩa vụ công dân về giao nộp vũ khí cũng như nhận thức được việc này góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng cuộc sống bình yên cho người dân an cư. Vì thế, người dân đã giao nộp với tinh thần tự nguyện, phấn khởi. Nhằm động viên khuyến khích người dân, chính quyền đã trao tặng nhiều phần quà gồm sách vở, bút, sữa, đường... Quà tặng nhờ sự đóng góp của các cán bộ công tác tại xã nên còn hạn chế”, ông Lê Thành Công chia sẻ.