Giao lưu với các Đại sứ văn hóa đọc TPHCM

Với mong muốn phong trào khuyến đọc đi vào chiều sâu, Sở TT-TT TPHCM tiếp tục công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025. Họ đến từ các lĩnh vực khác nhau nhưng có chung một tình yêu sách và mong muốn lan tỏa tinh thần hiếu đọc, quảng bá giá trị của sách, từ đó góp phần phát triển văn hóa đọc sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tối 21-4, trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, Sở TT-TT TPHCM tổ chức chương trình giao lưu giữa các Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM của 2 nhiệm kỳ, gồm: nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Dương Thành Truyền, doanh nhân Lê Đăng Khoa, nhà văn - nhà báo Bùi Tiểu Quyên, nhà báo Trung Nghĩa, nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài, hoa hậu Lương Thùy Linh, bé Bảo Khánh, bé Anh Thư…

IMG_3839.JPG
Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) kể chuyện về Bác Hồ. Ảnh: QUỲNH YÊN

Tại chương trình, các đại sứ đã có những chia sẻ thiết thực và đầy cảm hứng về việc đọc sách. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh hiện nay, khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đã có trong tay rất nhiều trí tuệ của nhân loại từ xưa tới nay, liệu khi đó, sách có cần cho chúng ta nữa hay không?

IMG_3849.JPG
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (giữa) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: QUỲNH YÊN

Trả lời câu hỏi này, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, so với trước đây, sự đọc có thay đổi, bởi vì, dù muốn dù không chúng ta phải tiếp nhận thông tin bằng chiếc điện thoại, cũng như chúng ta tiếp nhận thông tin từ sách.

“Sự tiếp nhận thông tin đã thay đổi. Nhưng có một điều chắc chắn không thay đổi, đó là khi bạn say mê, lấy thông tin từ sách, dù sách ở dạng nào thì bạn cũng sẽ tìm thấy ở đó một tình cảm, kiến thức. Và hơn hết, khi cầm một cuốn sách trên tay, bạn đang được trò chuyện với nhiều thế kỷ trước, và trò chuyện với thế kỷ hôm nay”, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ.

IMG_3869.JPG
Các Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2023-2024 cùng nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua trên hành trình khuyến đọc. Ảnh: QUỲNH YÊN

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho rằng, đối với lớp trẻ bây giờ, họ cho rằng việc đọc sách là không cần thiết, vì có điện thoại là đã có hết rồi. Nhưng theo ông, là nhà nghiên cứu để viết sách, không phải nghiên cứu để thưởng thức một mình, thì khi viết sách phải cân nhắc, tìm tòi rất kỹ lưỡng và phải đối chiếu qua nhiều tài liệu khác nhau.

IMG_3877.JPG
Một số Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025. Từ trái qua: nhà văn - nhà báo Tiểu Quyên (thứ hai), hoa hậu Lương Thùy Linh và bé Anh Thư. Ảnh: QUỲNH YÊN

“Chẳng hạn khi viết về xã Bình Hòa, tôi phải tìm đến 3, 4 quyển sách mới xác định được xã Bình Hòa thành lập từ hồi nào, trải qua những thay đổi như thế nào. Với những kiến thức như vậy thì điện thoại không thể giải quyết được. Cho nên, nếu đọc để giải trí thì điện thoại di động đáp ứng được nhưng để đào sâu, để tìm tòi gốc rễ ý kiến trong sách thì phải là sách in mới được”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư khẳng định.

IMG_3884.JPG
Các Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM của 2 nhiệm kỳ cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: QUỲNH YÊN

Cùng với những đại sứ của nhiệm kỳ trước, một số Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025 như nhà văn - nhà báo Bùi Tiểu Quyên, hoa hậu Lương Thùy Linh và bé Anh Thư đã có những dự án cá nhân về khuyến đọc, hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực cho phong trào khuyến đọc tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục