Ấn phẩm Mậu Thân 1968 - Một thiên hùng ca được CLB Truyền thống Thành Đoàn cùng Ban Thường vụ Thành Đoàn và NXB Trẻ tái bản có sửa chữa bổ sung nhân kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2023).
Tập sách gồm 4 phần chính: Phần 1 - Bối cảnh lịch sử; Phần 2 - Phong trào đấu tranh của thanh niên - sinh viên Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1966 - 1967; Phần 3 - Tiến công vũ trang giữa Sài Gòn và phần 4 - Ký ức Mậu Thân.
Ấn phẩm "Mậu Thân 1968 - Một thiên hùng ca" vừa được tái bản và bổ sung nhiều bài viết cùng những hình ảnh, tư liệu súc tích, cô đọng |
Với 87 bài viết cùng những hình ảnh, tư liệu súc tích, cô đọng và cảm xúc, đã góp phần giúp bạn đọc nói chung và tuổi trẻ TPHCM nói riêng hiểu thêm về phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên - học sinh Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1966 - 1967, hiểu thêm về tiếng trống hào hùng trong đêm văn nghệ Tết Quang Trung; sự ra đời của Trung tâm cứu trợ số 4 Duy Tân với biểu tượng “Tay nắm tay che”; hiểu hơn các câu chuyện về Biệt động Sài Gòn và lực lượng võ trang Thành Đoàn trong tổng tiến công Mậu Thân năm 1968...
Ngoài giới thiệu ấn phẩm Mậu Thân 1968 - Một Thiên hùng ca, chương trình còn là dịp ôn lại những ý nghĩa to lớn, cũng như giúp tuổi trẻ thành phố hiểu thêm về những bài học giá trị của các thế hệ thanh niên cha ông đi trước trong đợt kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của thành phố.
Tham gia vào chương trình có những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa như: ông Phan Anh Điền (biệt danh Ba Khắc), Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn; ông Nguyễn Thanh Công, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Đại diện Sinh viên Sài Gòn 1967 - 1968 - Chủ tịch Ủy ban cứu trợ đồng bào bị nạn năm 1968 - Chủ tịch Ban Chấp hành Sinh viên Y khoa và ông Võ Anh Thanh (biệt danh Tư Yển), Đội vũ trang tuyên truyền khu vực Bàn Cờ đợt 2 Tết Mậu Thân. Đại diện cho thế hệ thanh niên ngày nay là Bí thư Huyện Đoàn Bình Chánh Nguyễn Quang Tuấn.
Các khách mời tại chương trình. Từ phải qua: Ông Nguyễn Thanh Công, ông Võ Anh Thanh và ông Phan Anh Điền và Bí thư Huyện Đoàn Bình Chánh Nguyễn Quang Tuấn |
Cách đây 55 năm, vào dịp Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta trên toàn miền Nam đã đồng loạt tiến công địch khắp các thành phố lớn, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của địch... trong đó có những đòn táo bạo tấn công thẳng vào những mục tiêu hiểm yếu, chỉ huy tối cao của bộ máy chiến tranh tại Sài Gòn như: Dinh Tổng thống, Tòa Ðại sứ Mỹ, Ðài Phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng Nha Cảnh sát - Công an...
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 được đánh giá là một thắng lợi có tầm vóc lớn về chiến thuật để Mỹ xuống thang chiến tranh, đi đến đàm phán tại Hội nghị Paris và tạo tiền đề quan trọng cho đại thắng mùa xuân năm 1975. Bên cạnh cánh võ trang, học sinh, sinh viên thành phố lúc bấy giờ còn rất tiêu biểu với phong trào đấu tranh công khai, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng.
Đội văn nghệ tái hiện phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên thành phố lúc bấy giờ |
Ấn tượng và tiêu biểu nhất chắc là đêm hội Quang Trung do Tổng hội Sinh viên và Hội đồng đại diện Sinh viên Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 26-1-1968 với sự tham gia của 21 phân khoa đại học, 53 trường trung học và Đoàn Văn nghệ Bừng Sáng tại sân trường Viện Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, đã quy tụ trên 12.000 thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia.
Tại chương trình, những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm nào đã gợi lại không khí sục sôi và hào hùng, nhất là phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên lúc bấy giờ. Đã có không ít người trẻ quên mình vì non sông. Khi được hỏi về động cơ tham gia phong trào học sinh, sinh viên ngày đó, ông Nguyễn Thanh Công nói rằng, đó là nhờ hào khí lịch sử dân tộc, lòng tự hào với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Ông Nguyễn Thanh Công (đứng) nhớ lại những năm tháng hào hùng, sục sôi từ phong trào học sinh, sinh viên của thành phố |
Ông nói: “Thời điểm đó, Mỹ đem quân đến gây chiến tranh mở rộng, tàn phá đất nước trên cả miền Bắc và miền Nam. Chiến tranh tàn phá đất nước không thể tưởng tượng được. Một đất nước mà cứ bị chiến tranh kéo dài liên miên như vậy thì đất nước còn gì nữa? Đó chính là lý do thôi thúc chúng tôi nghỉ học, bỏ gia đình theo cách mạng. Chúng tôi tham gia với động cơ như vậy, chỉ với một mong muốn cháy bỏng là mong cho nước nhà hoà bình, độc lập, phát triển hùng cường”.