
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Thưa quý độc giả
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bút danh cũng là tên thật, sinh ngày 7/5/1955 tại Quảng Nam. Thuở nhỏ, theo học tại các trường Tiểu La, Trần Cao Vân và Phan Chu Trinh. Từ 1973, chuyển vào sống tại TPHCM, theo học ngành Sư phạm. Từng đi TNXP, dạy học, làm công tác Đoàn. Từ 1986 đến nay là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo SGGP chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn.
Năm 13 tuổi, đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ : Thành phố tháng tư, NXB Tác phẩm mới 1984 (in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên: Trước vòng chung kết, NXB Măng Non, 1985. Hai mươi năm trở lại đây, anh tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn TNCSHCM trao giải thưởng “Văn học Trẻ” hạng A. Năm 1995, anh được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn TPHCM và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn TPHCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bạn chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương “Vì thế hệ trẻ” và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay anh đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi trên cả nước.
Sau đây mời các bạn trò chuyện cùng anh:
Vũ Thanh Hà - Nam - TP Cần Thơ
- Chú Nguyễn Nhật Ánh ơi, sao chú không dùng bút danh như đa số các nhà văn khác mà ký tên thật của mình hả chú?
- Hồi học cấp 2, lúc mới tập tễnh viết lách, chú đã từng lấy bút danh cháu à. Hồi đó chú chọn cho mình một bút danh gồm tới bốn từ, “kêu” như chuông, đọc lên cứ tưởng là một kép hát ở đoàn cải lương nào đó. Lên cấp 3, chú được học văn với thầy Nguyễn Văn Bổn, tức nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ nổi tiếng trong phong trào đấu tranh đô thị lúc bấy giờ. Biết chú làm thơ, lại có bút danh“kêu” không thua gì mình, thầy Bổn ngoắt chú lại, nhẹ nhàng khuyên “Ánh đừng có bắt chước thầy. Cái bút danh của thầy nghe “kêu” quá, nhưng đã lỡ rồi”. Thầy bảo hồi nhỏ đi học xa, nghe mưa đêm ở Huế, thầy nhớ nhà quá nên mới lấy cái bút danh đó. “Hơn nữa, thầy tên Bổn, cái tên đọc lên nghe giống tiếng chuông tiếng mõ, chứ không ra... tiếng thơ, nên thầy phải lấy bút danh. Còn cái tên Nguyễn Nhật Ánh của em đâu có tệ, lấy bút danh làm chi!”. Thế là chú nghe lời thầy, không dùng bút danh nữa.
Minh Thảo - Nữ - Minhthao@yahoo.com
- Vì sao đang là giáo viên và nhà thơ anh lại chuyển sang làm nghề nhà báo kiêm viết truyện thiếu nhi?
- Thực ra lúc đang đi dạy học tôi đã viết truyện cho thiếu nhi. Truyện dài "Bàn có 5 chỗ ngồi" là tác phẩm tôi viết lúc đang dạy học ở Trường Bình Tây, quận 6. Sau này khi đi làm báo, tôi có điều kiện theo đuổi nghề viết thuận lợi hơn. Về thơ, đến nay tôi vẫn sáng tác nhưng không đều đặn như trước đây. Tôi cảm thấy tôi mắc nợ thơ. Bài thơ mới nhất của tôi có đoạn:
"Anh nợ em những ngày yêu. Nợ công viên những buổi chiều cỏ xanh. Đi qua gian khó đời mình. Nợ câu thơ bắc qua nghìn nỗi đau"...
Lê Thanh Sơn - Nam - TPHCM
- - Đọc các truyện dài của chú như Hoa hồng xứ khác, Cô gái đến từ hôm qua..., cháu không nhịn được cười. Có lần cháu cười lăn từ trên giường xuống đất, bị mẹ la quá trời. Cháu nghĩ chắc chú là người vui tính lắm!
- - Chú có tật hay cười (chắc giống cháu!). Hồi nhỏ, chú thường bị người lớn cho ăn đòn về cái tật hay phì cười trước những khung cảnh nghiêm trang. Càng nghiêm trang chú càng cảm thấy buồn cười. Lớn lên đi dạy học, chú hay đùa giỡn với học trò và cứ hay bị học trò làm cho phì cười. Ông hiệu trưởng nhắc nhở chú hoài, trách chú chơi với học trò kiểu gì giống “cá mè một lứa” quá, nhưng chú không sửa được. Sau này chú đi làm báo, viết văn, cái tật đó của chú lúc đi vào trang sách lại hóa hay. Ông hiệu trưởng năm xưa đọc sách chú, không phê bình chú nữa, mà khen “Ê, cậu viết cũng có duyên đó chớ!”, nghe khoái ơi là khoái.
Hoài Thương - Nữ 42 tuổi - Hà Nội
- - Thưa anh Nguyễn Nhật Ánh, theo anh thì đức tính nào quan trọng nhất đối với nghề văn?
- - Tôi nghĩ cũng như mọi nghề khác, đó là lòng yêu nghề. Lòng yêu nghề là đức tính cơ bản, nó sẽ giúp giải quyết tất cả những thứ khác. Nếu một nhà văn cầm bút vì yêu nghề chứ không phải vì bất cứ động cơ nào, nhà văn đó sẽ dễ được người đời thể tất cho những nhược điểm khác.
luyen ducanh - Nam - ducanhs1708@yahoo.com
- Thưa nhà văn! là một người thích đọc những tác phẩm của nhà văn, nhất là những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn. Tôi xin hỏi: Nhà văn có thấy những điểm tương đồng giữa văn học và bóng đá? . Nhà văn bắt đầu đến với bóng đá khi nào? phải chăng là từ khi nhà văn cảm thấy mình không còn cảm hứng để viết cho tuổi mới lớn? Trong các tác phẩm đã viết, nhà văn yêu thích và tâm đắc nhất với những tác phẩm nào?. Nhà văn có thấy mình giống nhân vật nào trong đó không?
- Bóng đá là môn thể thao có thể gây ra những cơn bão cảm xúc trong lòng người: hạnh phúc, đau thương, bi kịch, do đó rất gần với tính cách nhạy cảm của nhà văn. Trong những sáng tác của tôi, có không ít những tác phẩm viết về đề tài bóng đá như "Trước vòng chung kết", "Cú phạt đền", "Tấm huy chương vàng", "Thủ môn bị từ chối"... Có nghĩa là tôi đã đến với bóng đá từ lâu chứ không phải đến bây giờ tôi mới có cảm hứng với môn thể thao giàu cảm xúc này.
Lê Phước Hùng - Nữ 45 tuổi - Long An
- Thưa anh Nhật Ánh, tôi thấy những truyện của anh có tính giáo dục rất cao. Khi sáng tác, chắc anh thường xuyên nghĩ tới yếu tố này?
- Cảm ơn lời khen của chị. Thực ra tôi vẫn nghĩ một nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là một nhà giáo dục. Bởi vì cùng với bố mẹ và các thầy cô, nhà văn viết cho thiếu nhi là một trong những trụ đỡ tinh thần quan trọng của các em. Nhưng dĩ nhiên để thành công, nhà văn phải làm sao cho tính giáo dục thấm nhuần vào từng trang văn mới mong tránh được sự gượng gạo và áp đặt.
Võ Thanh Giang - Nam - giangvo@yahoo.com
- Anh nghĩ gì khi nhiều người bảo rằng anh là một trong số ít nhà văn sống được bằng chính ngòi bút của mình. Anh cảm thấy thế nào? Bí quyết nào để sống được bằng ngòi bút?
- Tôi nghĩ chẳng có bí quyết gì trong chuyện này. Nghề nào cũng vậy chứ không cứ nghề văn, muốn sống được với nghề thì phải lao động cật lực, bạn à. “Nghề văn” nghe có vẻ cao quý, cuốn sách viết ra được gọi là “hàng hóa cao cấp”, khác với cân gạo, bịch muối, hũ đường, nhưng dẫu là “cao cấp” thì nó vẫn cứ là “hàng hóa”, nghĩa là muốn tiêu thụ vẫn phải được bạn đọc thẩm định, tin cậy, và bỏ tiền ra mua. Do vậy, ngoài chút tài năng trời cho, nhà văn muốn sống được phải hết lòng vì bạn đọc.
Giao - Nữ - tocdai88@yahoo.com
- - Tại sao chú lại kết thúc bộ truyện Kính vạn hoa ở tập 45 hở chú? Cháu buồn quá, cháu nhớ có lần chú hứa là sẽ viết tới 63 tập kia mà? Chú không định viết tiếp nữa thật sao?.
- Con số 63 là do một nhà báo bạn chú nổi hứng xướng lên vậy thôi. Trong tập 45, của bộ truyện Kính vạn hoa, chú nhớ chú có kể lại chuyện này mà. So với con số 63, con số 45 dù sao cũng là... chín nút! Số hên đó cháu, vui lên đi nhé!
Lê Phước Hùng - Nam - Quận 10
- Trong những tác phẩm của anh, có một đặc điểm lôi cuốn bạn đọc là chất ngộ nghĩnh, dí dỏm. Tiếng cười trong tác phẩm tạo nên một phong cách rất riêng của anh. Anh có thể cho biết “đặc điểm” đó bắt nguồn từ đâu không?
- Thứ nhất là bắt nguồn từ tính cách của tôi.Thứ hai tôi quan niệm cuộc đời con người vốn có lắm nỗi éo le, chẳng việc gì mình phải “bi kịch hóa” nó thêm lần nữa. Nhìn mọi sự bằng con mắt hài hước, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy yêu đời hơn, vượt qua những nghịch cảnh cũng dễ hơn. Bạn cứ thử nhìn lên sân khấu thì biết, nhân vật trong những vở kịch hài bao giờ cũng sống lâu hơn nhân vật trong những vở kịch bi. Nhân vật bi kịch xuất hiện ở màn đầu rất hùng hổ nhưng đến màn cuối thế nào cũng về chầu trời là cái chắc.
Nguyen Thieu bao Thien - Nữ 22 tuổi - 171/1 An Duong Vuong,q. 5
- Thưa nhà văn, giữa viết văn và viết báo cái nào khó hơn.
- Anh nghĩ cái nào cũng khó. Mỗi cái có 1 cái khó riêng. Viết báo đòi hỏi phải chính xác và kịp thời. Còn viết văn đòi hỏi phải truyền được cảm xúc của người viết đến người đọc.
Bảo Ngọc - Nữ 29 tuổi - Phan Thiết
- Anh Chu Đình Ngạn ơi, có phải anh thức khuya để viết truyện cho thiếu nhi rồi xem bóng đá luôn nên anh có thể viết cùng lúc cả hai thứ?
- Sao em đoán hay quá vậy?
Tiểu Ly - Nữ - cuncon1069@yahoo.com
- Thưa chú Nguyễn Nhật Ánh, chú có thể kể cho cháu nghe một chút về kỷ niệm lúc chú mới cầm bút được không ạ?.
- Chú nhớ một trong những câu thơ đầu tay của chú làm lúc mười ba tuổi là như thế này: “Kềnh càng chân bước vào đời. Bỏ ngây thơ lại cái thời thơ ngây...”. Đó là tâm trạng “ngựa non háu đá” của một cậu bé con đang học đòi làm người lớn ấy mà. Còn lâu lắm mới mon men tới ngưỡng cửa người lớn, thế mà đã hùng hồn tuyên bố “bỏ ngây thơ lại...”. Đã thế, “vào đời” cũng không chịu đi đứng bình thường như người ta, mà phải đi “kềnh càng” như... khủng long thì mới được. Có lẽ lúc đó chú nghĩ đi “vào đời” theo cái kiểu như vậy mới là “oách”, cháu à. May mà sau này cuộc đời của chú không phát triển theo cái hướng “kềnh càng” đó, nếu không chú đã... theo chú Lý Đức đi thi thể dục thể hình rồi chứ đâu có rảnh mà ngồi viết văn cho các cháu đọc.
Nhím con - Nam 22 tuổi - Tân Hóa
- Anh đã từng sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng như Thành phố- Tình yêu và nổi nhớ. Tại sao dạo này ít thấy những bài thơ hay của anh. Phải chăng, anh đã mất nguồn cảm hứng sáng tác. Hay do bạn đọc không còn yêu thơ nữa. Hay do viết truyện có thu nhập cao hơn!???
- Làm thơ đòi hỏi phải có cảm xúc thật đặc biệt, bởi thơ là tiếng nói tâm tình. Mỗi ngày, một người có thể viết 10 trang văn xuôi, đều đặn ngày này qua ngày khác, nhưng không ai có thể mỗi ngày viết 1 bài thơ. Do đó thơ anh xuất hiện ít hơn văn xuôi cũng là điều dễ hiểu em à!
Nguyễn Thủy Trào - Nữ - TP.HCM
- Hầu như giới học sinh sinh viên thường hay có trong tay những tác phẩm của anh. Anh viết rất nhiều truyện và truyện của anh rất dễ đọc. Chắc hẳn rằng anh phải đầu tư vào đây nhiều công sức lắm. Xin hỏi anh: Anh lấy cảm hứng từ đâu để có thể viết "ngon lành" đến như vậy? Anh sáng tác theo cảm hứng hay viết theo đơn đặt hàng? .
- Anh sáng tác từ 3 nguồn: Ký ức, sự quan sát và óc tưởng tượng. Là một nhà văn viết cho thiếu nhi, việc huy động ký ức được coi là chủ yếu. Có lẽ hồi bé tôi là một cậu học trò nghịch ngợm nên ký ức tuổi thơ của tôi dồi dào đến mức... viết hoài chưa hết.
Minh - Nam - Skhao@yahoo.com
- Nghe đồn anh là một trong số ít nguời kiếm đuợc nhiều tiền bằng ngòi bút?
- Tôi cũng không rõ có phải thế không. Thực ra, tiền bạc đối với một nhà văn nếu có chỉ là cái đến sau. Nếu để kiếm tiền không ai chọn nghề viết văn. Khi ngồi vào bàn, nhà văn chỉ tìm kiếm một thứ duy nhất: những ý tưởng. Tôi rất thích một câu nói không biết của ai: "Lợi và danh đi trước sáng tác là một tai họa, đi song hành với sáng tác là một cản trở, còn đến sau sáng tác là hợp quy luật".
Đỗ Mai Phương - Nữ 20 tuổi - Bình Tân, TPHCM
- Chào anh!. Lối viết văn của anh giản dị, dễ hiểu và dí dỏm.. Thuở nhỏ, em từng si mê mất ăn, mất ngủ vì tác phẩm Thằng quỷ nhỏ của anh.. Lớn lên, khi biết rung động đầu đời, em mê anh Bồ Câu cũng giống như mê Thằng quỷ nhỏ.. Bây giờ sao không thấy anh Bồ Câu nữa hả anh? Có phải anh Bồ Câu bay đi tìm hoà bình xứ lạ rồi?
- Tuy không tuyển chọn để in thành sách như trước đây nhưng anh Bồ Câu vẫn xuất hiện đều đặn hàng tuần trên Báo Thanh Niên đấy chứ em.
Hoàng Oanh - Nữ 30 tuổi - TPHCM
- Nghe nói anh đã gần 50 tuổi nhưng trông anh hãy còn như mới ...30, chắc có lẽ vì vậy mà anh viết truyện thiếu nhi rất hợp với tụi trẻ, anh có nghĩ khi nào anh 70, 80 tuổi sẽ viết truyện nguời...già?
- Nếu quả thật 50 tuổi mà trông như 30 tuổi, đó là một bi kịch chứ chẳng có gì hay. Tôi viết truyện thiếu nhi đơn giản bởi vì tôi từng là một đứa trẻ, còn khi nào tôi từng là một người già cũng có thể tôi viết một cuốn đại loại như "Nghệ thuật làm ông ngoại". Biết đâu!
bé Bình Minh - Nam 16 tuổi - TPHCM
- Chú Nguyễn Nhật Ánh ơi! Có lúc nào chú cảm thấy viết truyện cho trẻ con hoài chán quá và dự tính chuyển qua viết truyện dành cho nguời lớn chưa? Những lúc chán chú thường làm gì?
- Chú chưa bao giờ thấy chán viết truyện cho trẻ em. Nếu các độc giả nhỏ tuổi vẫn còn thích đọc truyện của chú, chú sẽ viết cho... tới già. Chú giống như người bán kẹo kéo cho trẻ em, các cháu đang thích, không có lý gì chú chuyển qua bán... món nhậu.
Nguyen Thi Hong Anh - Nữ 26 tuổi - TP HCM
- Bao giờ thì truyện "Xứ Langbiang" ra tiếp các tập sau hay chú Nhật Ánh đang học cách câu giờ của bà J.K.Rowling bắt tụi con chờ đợi mãi. Hay là chú đang tìm ý tưởng mới cho chuyện?. Trần Thanh Sơn -sinh năm 1989, quận 10.
- Chú đã viết gần xong "Chuyện xứ Lang Biang" tập tiếp theo. Có lẽ 21-2-2005 là ngày phát hành "Chuyện xứ Lang Biang" tập 13. Cháu cố đợi nhé.
thach thao - Nữ 22 tuổi - TPHCM
- Người ta nói anh là người xầu trai, nhưng lại rầt đa tình. Xin hỏi, từ khi công tác ở Báo SGGP, anh có "kết" với nữ đồng nghiệp nào không?
- Xấu trai mà đa tình thì chỉ có chuốc khổ vào thân. Cho nên tôi đâu có dám "kết" với nữ đồng nghiệp nào. Bạn đừng xúi dại!
Hạ Chi - Nữ 36 tuổi - TPHCM
- Thưa nhà bình luận bóng đá Chu Đình Ngạn, theo dự đóa của anh thì Đội tuyển bóng đá Việt Nam kỳ này có hốt đuợc giải nào không tại Tiger Cup 2004: Vàng, bạc, đồng...hay chì?
- Vàng chứ. Đã đi thi thì bao giờ cũng phấn đấu đỗ trạng nguyên thì mới bõ công. Cố đỗ trạng, nếu không được thì còn rớt xuống thám hoa. Chứ nếu chỉ mong huy chương đồng, rủi rớt xuống chì, thiếc hay nhôm thì chỉ có nước khóc.
Nhím con - Nam 22 tuổi - Tân Hóa
- Anh nổi tiếng như vậy, tài năng như vậy, nhưng sao cứ lẹt đẹt là phóng viên hoaì vậy?
- Đó là bạn nghĩ vậy thôi. Tôi rất khoái làm phóng viên và chưa bao giờ thấy nó... lẹt đẹt.
Nhím con - Nam 22 tuổi - Tân Hóa
- Được biết, anh đang là chủ quán chợ Đo Đo. Thức ăn có ngon nhưng dường như giá hơi cao. Vừa viết truyện, làm báo và kinh doanh, chắc anh giàu lắm!?
- Bạn đoán trật lất rồi. Sao bạn không nghĩ tôi vừa viết truyện vừa làm báo là để "nuôi" cái quán Đo Đo để làm nơi thư giãn cùng bạn bè sau những giờ làm việc căng thẳng.
dungviet - Nam 45 tuổi - 405phamthehien,q8,tphcm
- dungviet - Nam 45 tuổi - 405phamthehien,q8,tphcm Từ nhỏ tôi thường coi truyện tuổi hoa, có ba loại hoa xanh, hoa đỏ ,hoa tím. ba loại này phù hợp cho từng loại tuổi. Anh có ý kiến gì với các loại sách này không ?
- Tôi cũng nghĩ đó cũng là một cách phân loại rất hay, giúp bạn đọc có thể chọn sách phù hợp với lứa tuổi của mình.
Nguyen Thi Hong Anh - Nữ 26 tuổi - TP HCM
- Cháu rất ngạc nhiên khi ba cháu cho biết,tác giả "Kính vạn hoa" cũng là chú Chu Đình Ngạn chuyên viết mục bình luận văn hóa -thể thao trên Báo SGGP. Thể thao và tình yêu (mà bác tả rất hay, nhất là tình yêu trẻ con)có gì giống nhau mà bác có thể viết cả hai cùng một lúc mà đều rất hay.
- Chú nghĩ tình yêu và thể thao đều là hoàn cảnh mà con người có thể bộc lộ cảm xúc một cách rõ rệt nhất cháu à. Do đó nếu viết tốt về cái này thì có thể viết tốt về cái kia.
Nguyen Thi Hong Anh - Nữ 26 tuổi - TP HCM
- Có một câu hỏi mà em đã nung nấu bấy lâu nay là chuyện "Hoa hồng xứ khác" của anh rất buồn, trái ngược hoàn toàn với các truyện từ trước tới nay của anh. Nhiều người bảo đó là chuyện thực của đời anh, có phải thế không ạ?
- Nếu chuyện đời thật của anh mà buồn thê thảm như em nghĩ thì giờ này anh còn tâm trí đâu mà ngồi giao lưu trực tuyến với em.
Thanh Tung - Nam 22 tuổi - TP.HCM
- Anh có bao giờ thất vọng khi ra ngòai đường, có độc giả nói: "Anh Bồ Câu mà chẳng đẹp như Bồ Câu tý nào"?
- Có gì đâu mà thất vọng hở em? Bồ Câu không đẹp mới yên tâm mà làm Bồ Câu được. Chứ Bồ Câu mà đẹp thì biết đâu anh đã thành... anh Diều Hâu từ đời tám hoánh nào rồi.
Che Han - Nữ 27 tuổi - Tay Ninh
- Nếu ngay tối nay trong nhà anh hiện ra Ông Bụt (truyện cổ tích dành cho người lớn), anh sẽ muốn Ông Bụt giúp gì anh?
- Anh sẽ muốn ổng kiếm dùm anh thêm vài ông Bụt nữa. Như vậy vòi vĩnh mới đã, em à!
Nhím con - Nam 22 tuổi - Tân Hóa
- Anh đã tạo dựng được một "thương hiệu" khác trên báo SGGP số chủ nhật trong mục văn hóa thể thao bằng bút danh "Chu Đình Ngạn". Ý nghĩa của bút danh naỳ. Anh có nghĩ đến một lúc nào đó trở thành một bình luận viên nổi tiếng trên đài truyền hình. Anh bình luận bóng đá sắc sảo như vậy nhưng đá bóng có hay không?
- "Ngạn" là nhân vật chính trong tác phẩm "Mắt biếc" của anh. Anh yêu nhân vật này nên chọn tên Ngạn. Còn Chu Đình là 1 cái họ ghép anh chọn tình cờ. Trình độ đá bóng của anh: Chân trái đá như chân phải. Còn chân phải thì đá như... củ cải. Ghê không?
Đông Thảo - Nữ 34 tuổi - Bà Điểm, Hóc MÔn, TPHCM
- Có phim làm theo tác phẩm Kính Vạn hoa, Thằng quỷ nhỏ, Chú bé rắc rối...anh đã xem chưa? Trong quá trình làm phim anh có đuợc góp ý gì cho đạo diễn không? Em coi phim thì thấy chẳng hay bằng truyện của anh tí nào!
- Phim "Kính vạn hoa" chưa làm xong nên anh không biết thế nào. Còn các phim "Thằng quỷ nhỏ", "Chú bé rắc rối" thú thật là anh không thích lắm. Các đạo diễn đều rất tâm huyết nhưng không hiểu sao xem phim cứ thấy thế nào.
Ngô thị Đà - Nữ 20 tuổi - Tân Bình
- Chú Ánh ơi, con cũng là một người con của xứ Quảng ,bây giờ vào Sài Gòn ăn học lại thấy nhớ quê kinh khủng, cả những kỉ niệm của thời học sinh nữa. Những kỉ niệm thời đi học ở xứ Quảng thân thương có là chất liệu chủ yếu trong các tác phẩm của chú hay không?.
- Nếu cháu đọc kỹ, cháu sẽ thấy rất nhiều tác phẩm của chú lấy bối cảnh Quảng Nam như "Mắt biếc", "Hoa hồng xứ khác", "Hạ đỏ", "Đi qua hoa cúc", "Những cô em gái". Hy vọng những cuốn sách này của chú sẽ giúp cháu đỡ nhớ quê hương phần nào.
An Minh - Nữ 36 tuổi - Yen Bai
- Anh có nghĩ đến một lúc nào đó anh không thể viết được truyện nữa, vậy lúc đó anh sẽ làm gì?
- Nếu chẳng may xảy ra trường hợp như em nói, anh sẽ mở tiệm sách chuyên bán sách... của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.
Tran Khanh Hung - Nam 14 tuổi - 87/15 nguyen thi nho phuong 9 quan Tan Binh
- Chào nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, em là độc giả thường xuyên của anh. Em thích nhất là tác phẩm "Kính vạn hoa". Thế nhưng em rất buồn vì bộ truyện này đang có nhiều tình tiết hấp dẫn thì lại ngưng.Bao giờ thì anh cho ra đời tiếp chuyện này?. Còn bộ truyện Phù thủy xứ Lang Biang cũng rất hấp dẫm đám nhỏ bọn em. Chúng em rất mong anh sớm cho tiếp những bộ truyện hấp dẫn này.
- Anh cũng rất phân vân khi quyết định kết thúc bộ "Kính vạn hoa". Nhưng suốt 7 năm trời "sống chung" với bọn nhóc Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, anh cũng thấy "oải". Hy vọng những tác phẩm tiếp theo của anh sẽ làm em và các bạn hài lòng.
Đông Thi - Nữ 32 tuổi - Thảo Điền, quận 2, TPHCM
- Được biết anh từng là TNXP và là nhà giáo, hai giai đoạn ấy trong cuộc đời có giúp gì cho công việc viết lách của anh? Hình như anh chưa viết truyện nào về TNXP như nhà văn Nguyễn Đông Thức?
- Những ngày ở TNXP giúp tôi tinh thần vượt khó, môi trường học đường giúp tôi tiếp xúc với những gì trong sáng nhất. Mặc dù không rõ rệt, tôi nghĩ hai giai đoạn đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và trang viết của tôi. Tập thơ "Đầu xuân ra sông giặt áo" của tôi là tập thơ viết về thanh niên xung phong. Còn về văn xuôi, tôi nghĩ tôi không thể viết hay hơn về đề tài TNXP như "Ngọc trong đá" của Nguyễn Đông Thức.
Ngô thị Đà - Nữ 20 tuổi - Tân Bình
- Sáng tác đầu tay của chú lá một bài thơ ,tập sách in đầu tiên cũng là một tập thơ nhưng hiện nay chú lại được biết đến như là một nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Vậy chú bén duyên với truyện khi nào và như thế nào? Chú vãn tiếp tục làm thơ trong khi viết chuyện? Trẻ con đọc chuyện chú say sưa như chúng đang được sống trong thế giới của chính chúng vậy. Làm sao chú thâm nhập được vào thế giới ấy?.
- Bạn bè thân thiết có người gọi chú là "Thẳng quỷ nhỏ", có người gọi là "Chú bé rắc rối". Có lẽ trong chú vẫn tồn tại một đứa trẻ con vô hình. Nên mỗi khi sáng tác chú cảm thấy tự nhiên như một cậu học trò ngồi viết chuyện đời mình. Có lẽ nhờ vậy mà các cháu thấy truyện của chú gần gũi chăng?
Tung Khanh Ta - Nam - tungkhanh138@yahoo.com
- Anh Chu Đình Ngạn ơi, em rất thích những bài bình luận bóng đá của anh. Anh viết rất hay nhưng em hơi thắc mắc sao thấy anh viết về bóng đá nhưng nặng mùi kiếm hiệp. Chắc anh rất rành tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung? Anh thích nhân vật kiếm hiệp nào nhất? Nếu báo Sài Gòn Giải Phóng mà mở mục bình luận về các nhân vật kiếm hiệp, anh có tình nguyện tham gia không? Em hy vọng sẽ có mục đó và chờ đợi để đọc bài của anh.
- Anh từng đọc các "đại hành gia võ hiệp" như Kim Dung và Cổ Long, thấy bóng đá và võ hiệp đôi lúc có những tình tiết khá giống nhau nên thỉnh thoảng liên hệ để bài viết thêm màu sắc vậy mà.
Ngô thị Đà - Nữ 20 tuổi - Tân Bình
- Chú đã từng nói "có một con người trẻ con trong tôi" ,bước qua tuổi trẻ con để đến cái tuổi quá xa trẻ con như bây giờ thì chú có phải nuôi giữ con người trẻ con ấy bằng gì không ạ?
- "Đứa trẻ con" đó là quà tặng của số phận. Tôi không nuôi "nó" và cũng không biết cách nào nuôi "nó". Ngược lại hiện nay hình như "nó" đang "nuôi" tôi. Chẳng may một ngày nào đó "nó" cao hứng... già đi, chắc tôi phải chuyển qua đề tài khác mất.

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó TBT Báo SGGP, tặng hoa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Rất tiếc đã đến giờ tôi phải chia tay với các bạn. Tôi vô cùng cảm động trước tình cảm mà các bạn dành cho tôi qua những câu hỏi gửi về buổi giao lưu trực tuyến hôm nay nhưng do thời gian có hạn, tôi không thể trả lời tất cả mọi câu hỏi. Mong các bạn thông cảm và hy vọng sẽ có dịp gặp lại các bạn trong một lần khác. Xin cảm ơn.
Từ 2 ngày qua và suốt buổi chiều nay, SGGP online đã nhận được 819 câu hỏi của bạn đọc gởi tới giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua địa chỉ e.mail của SGGP online và gởi trực tiếp trong thời gian giao lưu. Vì thời gian có hạn nên còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được trả lời. Rất mong bạn đọc thông cảm!
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nhận lời tham gia cuộc giao lưu này
Xin chào tạm biệt. Hẹn gặp lại các bạn trong lần giao lưu sau!
SGGP online