Chương trình có sự tham gia của các diễn giả: Đồng chí Trương Mỹ Lệ, nguyên quyền Bí thư Thành Đoàn, Phó chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn; nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM và đồng chí Châu Minh Hiền, Phó Chánh Văn phòng Sở Nội vụ.
Kính chào thế hệ thứ tư là cuốn sách quý, được xem là cuốn cẩm nang truyền cảm hứng, giáo dục lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ. Những bài phát biểu quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt trong cuốn sách, với cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM là tình cảm và niềm tin cậy của ông với thế hệ trẻ thành phố nói riêng, cả nước nói chung trong suốt nhiều năm qua. Cuốn sách đã trở thành người bạn đồng hành của Thanh niên xung phong, Thanh niên tình nguyện trên các công trường xây dựng, Thanh niên các lực lượng vũ trang trong chiến hào bảo vệ biên giới, hải đảo.
Ấn phẩm "Kính chào thế hệ thứ tư" vừa được NXB Tổng hợp TPHCM tái bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn còn in sâu trong tâm trí của đồng chí Trương Mỹ Lệ. Bà kể, trước năm 1975, bà không biết nhiều về đồng chí Võ Văn Kiệt, bởi vì ông khi đó là lãnh đạo cấp cao ở Trung ương Cục, còn bà làm nhiệm vụ ở nội thành, ngay trong lòng địch. Nhưng sau năm 1975, bà được phân công về công tác tại ở quận 11 với vai trò Bí thư Quận ủy. Từ một người làm công tác thanh niên suốt 10 năm, với một trách nhiệm mới khiến bà không khỏi lo lắng.
“Giai đoạn 1975-1977 là giai đoạn quân quản, tình hình còn rất nhiều khó khăn. Một hôm, đồng chí Kiệt kêu tôi lên gặp, trước hết là hỏi thăm công việc. Thấy tôi bày tỏ sự lo lắng với nhiệm vụ mới như vậy, đồng chí động viên: “Tôi tin là đồng chí sẽ làm tốt và làm giỏi. Bởi những năm sống trong lòng địch cũng như những năm tù đày, gian khổ, đấu tranh với địch, đồng chí đã vượt qua được thì bây giờ những khó khăn mới cũng sẽ vượt qua được”. "Phải nói rằng, chính sự động viên kịp thời đó đã giúp tôi có thêm sức mạnh, yên tâm và tự tin làm nhiệm vụ”, đồng chí Trương Mỹ Lệ nhớ lại.
Các khách mời tại chương trình. Từ phải qua: đồng chí Châu Minh Hiền, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, đồng chí Trương Mỹ Lệ và MC Xuân Huy
Thuộc thế hệ thứ 4, là người trẻ trong giai đoạn thành phố mới được độc lập; sau năm 1975, vừa tốt nghiệp đại học, lúc đó vừa tròn 22 tuổi, nhà báo Nguyễn Thế Thanh được phân công làm báo. Thời gian này, bà thường xuyên được theo chân các đồng chí lãnh đạo từ các sở, ngành, uỷ ban đến việc bắt tay vào các hoạt động khắc phục hậu quả, hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra.
“Đồng chí lãnh đạo nào cũng có tác phong rất nhiệt tình nhưng người để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi là đồng chí Võ Văn Kiệt. Lúc đó ông không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa già, lúc nào cũng rất năng nổ và xông xáo. Có thể nói, những ngày đó gần như các cán bộ của thành phố không ngủ, hoặc ngủ rất ít vì phải lo cho dân nhiều. Đồng chí Võ văn Kiệt sáng thấy ở công trình này, trưa là công trình khác và tối đến lại ở một công trình khác rồi”, nhà báo Nguyễn Thế Thanh chia sẻ.
Ngoài ra, theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh, trong con người Võ Văn Kiệt lúc nào cũng có lửa, đi đâu cũng truyền ngọn lửa nhiệt huyết của mình. “Ấn tượng của tôi về đồng chí Võ Văn Kiệt luôn luôn là như thế, gần gũi, chân thành và tin cậy con người. Và chính niềm tin đó đã giúp đồng chí được dân tin, nhất là thanh niên”, bà nói thêm.
Được tiếp cận với tác phẩm Kính chào thế hệ thứ tư ngay từ năm 2014, theo đồng chí Châu Minh Hiền, cuốn sách này như có lửa trong đó, và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính xác là người thắp lửa và truyền lửa.
“Ấn tượng đầu tiên đó là sự gần gũi, sự yêu thương và tràn đầy trân trọng của bác với thế hệ trẻ. Bắt đầu mỗi bài phát biểu của bác đối với thế hệ thanh niên ở các đại hội hay hội nghị, luôn luôn “các bạn, các em thân mến”. Chính từ sự không có khoảng cách giữa lãnh đạo với thanh niên, cũng đã lôi cuốn được nhiều thế hệ trẻ tham gia cùng với chính quyền để cùng nhau xây dựng thành phố, xây dựng đất nước”, đồng chí Châu Minh Hiền bày tỏ.