Sợ, nhưng vẫn phải làm
Sáng thứ bảy, chúng tôi mở ứng dụng đặt một cuốc xe Grab. Đón tôi là anh Hưng (23 tuổi), với đầy đủ áo khoác, khẩu trang đúng quy định. Hỏi về công việc trong tình hình dịch bệnh, anh thở than: “Công việc mình nó vậy, mình buộc phải chở rất nhiều người, biết sao giờ, mình đâu đòi cách xa 2m được”. Mùa dịch, anh Hưng vẫn đều đặn mở app, nhận khách mỗi ngày vì đây là công việc đem lại thu nhập chính cho anh. “Chạy mệt là về nhà ngay cho an toàn, không ngồi tạm ngoài đường lập nhóm nói chuyện với mấy anh em xe ôm như trước”, anh Hưng nói.
Những ngày này, các quán ăn không được mở bán trực tiếp, người dân chỉ có thể đặt hàng online. Anh Nguyễn Hoàng, một nhân viên giao thức ăn, cho hay: “Hiện có nhiều người thực hiện thanh toán trước bằng tài khoản ngân hàng, ví điện tử, khi giao hàng giảm tiếp xúc, nên người giao hàng cũng an tâm phần nào. Nhưng cũng có người nhận thanh toán tiền mặt hoặc ra nhận thức ăn trực tiếp thì chúng tôi cũng không thể từ chối”.
Kinh tế khó khăn vì dịch, cô Thanh (58 tuổi, quận Gò Vấp) bắt đầu kinh doanh trên mạng vài tháng nay. Cô Thanh kể: “Hiện tại, hễ nghe điện thoại của các bạn giao hàng là tôi để hàng sẵn trước nhà, đứng xa 2m chờ họ đến lấy. Làm vậy là tôn trọng sức khỏe và gia đình các bạn”.
Giữ an toàn hai bên
Những ngày này, trên đường phố, tài xế công nghệ vẫn ngược xuôi. Trước đây, việc giao nhận hàng thường kèm theo những lời chào hỏi, mọi thứ diễn ra thoải mái thân thiện giờ đây tất cả phải nhanh chóng để phòng dịch. Anh Tăng Trường Giang (35 tuổi, ngụ quận 8), cho biết ban ngày anh giao hàng cho một đơn vị bưu chính, đêm tranh thủ giao đồ ăn. Anh kể: “Tôi thường tìm trên mạng xem chỗ mình sắp giao có đang bị phong tỏa, rồi gọi xác minh, hỏi khách nhận hàng được không. Nếu không thì tôi gợi ý giao cho người quen của khách nhận giùm”, anh nói. Dù gọi qua gọi lại cũng mất thời gian, tốn tiền điện thoại hơn ngày thường, có khi phải hủy đơn nhưng anh nói vì đang dịch bệnh nên đành chịu.
Còn anh Hồ Thông (40 tuổi, đối tác của Grab) cho biết: “Hãng quy định lúc giao hàng phải giữ khoảng cách 2 mét với khách. Tôi luôn đem theo chai nước rửa tay và không nói chuyện với khách, trước đó đã nhắn tin qua ứng dụng hoặc gọi điện xác nhận đặt hàng”. Với khu vực phong tỏa, anh dùng tính năng giao hàng không tiếp xúc mà hãng xe công nghệ đưa ra. Hai bên thỏa thuận nhận hàng ở điểm trung gian như phía trước cửa, treo trên cổng… để không phải gặp nhau. Khi lấy thức ăn từ quán rồi đem giao, anh cũng giữ khoảng cách và rửa tay sau khi cầm tiền. Khẩu trang anh luôn luôn đeo, kể cả lúc tranh thủ chợp mắt buổi trưa. Anh nói có lúc mọi thứ không suôn sẻ, bản thân anh cũng mệt mỏi vì mọi thứ rắc rối hơn trước nhưng phải cố gắng.
Tình hình dịch bệnh căng thẳng, một số tài xế công nghệ đã tạm nghỉ do lo ngại vấn đề an toàn. Trên các diễn đàn, nhóm hội tài xế, các tài xế cũng chia sẻ sự lo lắng khi chở khách, giao hàng trong mùa dịch. Một số tài xế đã tắt ứng dụng, không nhận khách. Có tài xế xoay qua bán trái cây, tìm việc khác để xoay xở. Trừ một số người chạy xe công nghệ kiếm thêm thu nhập, còn lại đa phần là nghề chính mưu sinh, nay ngưng chạy cũng ảnh hưởng chén cơm manh áo.
Theo thông tin Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TPHCM hiện có 170.000 tài xế công nghệ hoạt động. Họ có nguy cơ mắc bệnh cao do phải di chuyển nhiều để phục vụ nhu cầu người dân. Trước đó, tháng 5-2021, Sở GTVT TPHCM đã có công văn đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ chở khách và giao hàng công nghệ phải đảm bảo biện pháp phòng dịch, tuân thủ quy tắc an toàn. Có nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ những người giao hàng online nên sớm được tiêm vaccine Covid-19. |