Trao đổi với PV Báo SGGP, thầy Nguyễn Duy Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết, đây là năm học thứ hai nhà trường đưa chương trình giáo dục về văn hóa Việt Nam vào giảng dạy cho học sinh khối 10 và 11, thời khóa biểu tất cả các lớp đều được thiết kế 1 tiết học/tuần, mỗi chủ đề triển khai trong 2 tiết.
Trước đó, Trường THPT Bùi Thị Xuân đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, sử dụng tài liệu “Giáo dục văn hóa truyền thống và hiện đại cho học sinh THPT” (do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM phát hành) để thiết kế chương trình giáo dục về văn hóa cho học sinh khối 10 và 11.
Hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, bước đầu chuẩn bị và tiệm cận môn học hoạt động trải nghiệm trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2020-2021, học sinh khối 10 sẽ được học 6 kỹ năng trong học kỳ 1, gồm: kỹ năng phòng chống xâm hại, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng tránh xa bạn xấu, kỹ năng quản lý cảm xúc và ứng phó với căng thẳng, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng lập kế hoạch và tạo động lực học tập.
Sau đó, trong học kỳ 2, các em được giới thiệu 6 chủ đề về văn hóa, gồm: văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa giao tiếp ứng xử ngoài xã hội, văn hóa ứng xử với môi trường và văn hóa ứng xử với bản thân.
Riêng đối với khối 11, học sinh được giới thiệu các chủ đề văn hóa như tín ngưỡng, phong tục, văn hóa giao tiếp, ứng xử trong nhà trường, văn hóa lễ hội, văn hóa nghệ thuật âm nhạc truyền thống và văn hóa nghệ thuật sân khấu cùng một số kỹ năng như phòng, chống tệ nạn xã hội, sơ cấp cứu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng nói chuyện trước công chúng…
Trần Bùi Minh Anh, trưởng lớp 10A1 bày tỏ: “Bình thường tụi em chỉ ngồi nghe giảng, tiếp thu kiến thức một chiều thì nay với hình thức tổ chức lớp học mới, học sinh được nêu ý kiến, phải động não suy nghĩ, tiếp thu và vận dụng kiến thức một cách hiệu quả hơn”.
Còn Trần Gia Hưng, học sinh lớp 10A1 chia sẻ, em thích hình thức học theo chủ đề vì giúp học sinh có thể liên hệ kiến thức ở nhiều môn học, đặc biệt là mối liên hệ giữa kiến thức và thực tiễn cuộc sống. Các hoạt động nhóm không chỉ giúp các bạn trao đổi, chia sẻ kiến thức với nhau mà còn giúp bản thân trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận, phân tích và tìm ra biện pháp giải quyết một vấn đề.
Thầy Lê Bá Hoàng Phát, giáo viên tổ chức lớp học cho biết, từ những trăn trở ban đầu như học sinh học xong kiến thức để làm gì, việc học có giúp ích gì cho các em trong ứng dụng của môn học vào thực tiễn cuộc sống, thầy giáo trẻ đã thiết kế giờ học với mục tiêu không đặt nặng kiến thức, dạy học để lấy điểm mà tập trung định hướng cho học sinh biết phải làm gì sau khi tiếp thu kiến thức, thông qua đó rèn cho học sinh một số thói quen sinh hoạt có ích cho môi trường như hạn chế sử dụng chai nhựa, hộp xốp, ống hút nhựa…
Thông qua các hoạt động cụ thể, Phan Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, Câu lạc bộ môi trường đã được thành lập vào đầu năm học 2020-2021 với 27 thành viên. Trong học kỳ 1 vừa qua, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích thu hút học sinh toàn trường tham gia như ngày hội tái chế đồ đã qua sử dụng, quyên góp tập sách và quần áo ấm tặng người dân miền Trung, ngày hội nhặt rác, 7 ngày thử thách sống xanh…