“Em muốn trồng những loại cây có thể ăn được vì không cần phải ra ngoài mua”, cậu bé hào hứng nói. Đó là một trong những cách cậu cố gắng giúp gia đình mình tiết kiệm tiền và giảm lãng phí bao bì. Sự quan tâm đến thiên nhiên của Valen bắt đầu cách đây 5 năm, khi một giáo viên tên Kuan chuyển đến Trường Tiểu học Lianhua. Khoa giáo dục tư cách và công dân của trường thường tổ chức các hoạt động lấy môi trường làm trung tâm như làm vườn và dã ngoại bảo tồn biển. Cô giáo hướng dẫn kỹ càng cho học sinh về cách thức trồng trọt cũng như nhặt rác ở bãi biển.
Valen bắt đầu một góc tái chế trong nhà bếp và biến những chai, hộp đã qua sử dụng thành đường đua cho những viên bi của mình. Khi cậu học lớp 4, một giáo viên đã cho cậu và các bạn cùng lớp mỗi người một cây đậu xanh để trồng như một thí nghiệm khoa học. Valen đã nuôi dưỡng nó cẩn thận và có một vụ thu hoạch nhỏ. Mẹ của Valen cho biết, công việc làm vườn cũng giúp cậu bé mắc chứng rối loạn tăng động bình tĩnh hơn.
Theo CNA, ở Singapore, mặc dù người lớn được cho là quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, nhưng chính những đứa trẻ đang thúc đẩy áp dụng lối sống xanh hơn, ít nhất là ở nhà. Bạn cùng trường của Valen, Thae Su Shyonlei Nway, hay còn gọi là Eda, kể rằng cả nhà em đều tự trồng trái cây và rau, cứu động vật bị mắc bẫy và quét rác ngoài đường phố. “Vì biến đổi khí hậu, nhiều loài động vật sẽ không thể tồn tại. Em yêu động vật. Em không muốn điều đó xảy ra”, cô bé tâm sự.
“Trên thực tế, chúng tôi cũng khuyến khích Eda hiểu về môi trường”, cha em, ông Aung Myo Htun cho biết. Ông rất vui vì trường học đã lồng ghép các bài học về tính bền vững trong chương trình giảng dạy của mình.
Một cuộc khảo sát của YouGov Omnibus cho thấy, 56% người được hỏi cho biết, họ là người khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường tại nhà. 22% khác cho biết, đó là đối tác của họ. 8% cho biết, chính con họ là người đảm nhận mọi việc, theo kết quả khảo sát đối với 254 hộ gia đình ở Singapore có con từ 5-17 tuổi. Kết quả của YouGov cũng cho thấy phần lớn giới trẻ quan tâm đến môi trường.
Theo Tiến sĩ Mythili Pandi, cô luôn ý thức về việc tái chế hoặc sử dụng các sản phẩm bền vững, nhưng chính các con của cô đã thúc đẩy cô đưa nó lên một tầm cao mới. Một ngày nọ, con trai út của cô, Shyam, 5 tuổi, đi học về và nói rằng muốn chôn thức ăn thừa trong vườn - vì nó vừa tham gia một lớp học ở trường mẫu giáo về rác thải thực phẩm. Các con của cô cũng thích đến vườn ươm để có thể mang hạt giống về trồng.
“Nếu không chịu thay đổi, tôi sẽ sớm mâu thuẫn với những gì nhà trường đã dạy các cháu”, cô Mythili Pandi nói. Cuộc sống gia đình cô cũng luôn hướng đến tiêu chí “sống xanh” bao gồm mua sắm tại các cửa hàng không rác thải, tổ chức tiệc sinh nhật và đồ chơi chỉ sử dụng các đồ dùng có thể tái sử dụng và sử dụng pin sạc…