Giáo dục toàn diện, hiệu quả chọn lọc

Những năm gần đây, khái niệm “giáo dục toàn diện” thường xuyên được nhắc đến, đặc biệt là sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) được ban hành. Một trong những mục tiêu quan trọng của CTGDPT 2018 chính là giúp học sinh (HS) làm chủ và vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Giáo dục toàn diện không nằm ngoài việc hỗ trợ HS tự xác định được thế mạnh của mình và tự chọn lọc những kiến thức, kỹ năng hữu ích nhất cho bản thân, nghĩa là hướng đến hiệu quả thiết thực cho mỗi HS chứ không yêu cầu phải “giỏi toàn diện”.

Ảnh1.jpg
Trang bìa SGK Âm nhạc 5

Thử mở trang 31, sách giáo khoa (SGK) Âm nhạc 5 – bộ sách Chân trời sáng tạo, sẽ thấy ngay các đề mục ôn tập các loại kỹ năng hoặc mạch nội dung như: Hát, Nghe nhạc, Đọc nhạc, Nhạc cụ, Lí thuyết âm nhạc, Thường thức âm nhạc. Vai trò của giáo viên (GV) là hướng dẫn và trang bị cho HS những kỹ năng cần thiết, nhưng không đặt mục tiêu HS phải thông thạo toàn bộ các kỹ năng này, mà chỉ cần nắm vững ở mức độ phù hợp.

Khoa học và thực tiễn đã chứng minh rằng, âm nhạc đóng vai trò đặc biệt trong cuộc sống và việc học môn Âm nhạc không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận một môn nghệ thuật, mà còn là cách để phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực cần thiết. Cũng cần biết rằng, một người không có năng khiếu chơi nhạc cụ hoặc hát không có nghĩa là không có khả năng tiếp cận âm nhạc và việc gợi mở một loạt kỹ năng của SGK Âm nhạc – bộ sách Chân trời sáng tạo xuyên suốt 12 lớp nhằm mục tiêu tìm tòi và đánh thức từng loại kĩ năng của HS.

Ảnh3.png
Một phần trang 31 – SGK "Âm nhạc 5" – bộ sách "Chân trời sáng tạo" thể hiện yêu cầu về kỹ năng nghe nhạc

Xem tiếp kỹ năng Nghe nhạc tại trang này sẽ thấy yêu cầu rất đơn giản và gợi mở: “Nghe và vận động theo nhịp điệu bài hát Ngôi trường giữa ngàn mây”. Chỉ cần một HS bình thường, ngồi ở nhà và mở SGK; sau đó, có thể lên internet tìm bài hát này, nghe và vỗ tay theo cũng đã là thành công.

Thông qua hoạt động này, HS đã cảm nhận được âm nhạc một cách rất tự nhiên và có thể gợi mở tìm những bài hát có chủ đề, thể loại tương tự. Nên nhớ, kỹ năng Nghe nhạc vốn đã được đề cập ở những quốc gia phương Tây có nền âm nhạc hàn lâm hàng đầu thế giới như Đức, Pháp, Áo, Ba Lan.

ThS Huỳnh Hồng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) đã phân tích: “Môn Âm nhạc có thể gợi mở cho HS có nhiều kỹ năng, chẳng hạn, HS thích một bản nhạc có thể tìm hiểu về tác giả, lịch sử, bối cảnh ra đời đồng nghĩa với việc có thêm kiến thức về lịch sử, địa lí. Chúng ta hay đặt vấn đề về giáo dục cảm xúc, thì chính môn âm nhạc là công cụ rất lý tưởng để giáo dục về cảm xúc, mà lại rất dễ đi vào lòng mỗi HS”.

Ảnh4.png
Một phần trang 31 – SGK "Âm nhạc 5" – bộ sách "Chân trời sáng tạo" thể hiện yêu cầu về mạch nội dung nhạc cụ

Với mạch nội dung Nhạc cụ tại trang này, học sinh sẽ được thực hiện các yêu cầu cao hơn, chẳng hạn như: “Sử dụng nhạc cụ tiết tấu tự chọn để đệm cho bài hát Những bông hoa những bài ca”. Nhìn ở góc độ này, chỉ cần mỗi HS trong lớp lựa chọn một nhạc cụ mà mình tự tin sử dụng được và thực hiện tốt kỹ năng theo yêu cầu là giáo viên đã đạt được thành công nhất định. Điều này cũng giúp giảm bớt áp lực khi giảng dạy, thay vì đặt kỳ vọng HS phải hoàn thiện hết tất cả các kỹ năng.

Nhà giáo Khúc Thành Chính, Chủ biên SGK Toán cấp Tiểu học – bộ sách Chân trời sáng tạo, đã nhận định: “Tùy vào năng lực, HS có thể hiểu rộng và sâu nhưng trước tiên phải hiểu rõ. Một bài toán có thể có nhiều tác dụng vượt ra khỏi khuôn khổ của toán học. GV sẽ chỉ rõ khi dạy, nhưng không thể kỳ vọng HS hiểu rõ ngay lập tức mà phải mưa dầm thấm lâu và quan trọng là truyền đạt được ý tưởng, mong muốn rằng thông qua môn học, ngoài kỹ năng tính toán, HS có thể học và phát triển các phẩm chất như lòng yêu nước, sự quan tâm, lòng biết ơn…”.

Trong nhiều bài học SGK Toán 5 – bộ Chân trời sáng tạo, ngoài các dạng bài tập thông thường, việc luyện tập kiến thức Toán còn được khéo lồng ghép trong mục “Đất nước em”. Chẳng hạn, ở trang 44 và 45 SGK Toán 5 (tập Một) có giới thiệu về nhà Rông, đây là một trong những nét kiến trúc, văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc ở khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó là bảng số liệu giới thiệu cho HS về diện tích của một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên và biểu đồ cột kèm theo để HS rèn luyện kỹ năng đọc bảng số liệu, vẽ và nhận xét biểu đồ.

Như vậy, ngoài kiến thức nền liên quan đến toán học, HS sẽ có thêm những kiến thức, kỹ năng mở về địa lí, văn hóa và xã hội; mà nếu có cơ hội du lịch đến các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, HS có thể được ôn lại trong tâm trí và cảm thấy thú vị. Thậm chí, thông qua môn Toán còn có thể khơi gợi cho HS tình yêu quê hương, mong muốn khám phá nhiều địa danh thú vị của đất nước…

Ảnh5.jpg
Trang bìa SGK "Toán 5" (tập Một) – bộ sách "Chân trời sáng tạo"
Ảnh6.png
Một phần trang 44 – SGK "Toán 5" (tập Một) – bộ sách "Chân trời sáng tạo"
Ảnh7.png
Trang 45 – SGK "Toán 5" (tập Một) – bộ sách "Chân trời sáng tạo"

Như vậy, những nhà quản lý giáo dục cần thường xuyên minh định cũng như gợi mở cho các trường học, GV về mục tiêu thực sự của giáo dục toàn diện, điều này khác biệt với giỏi toàn diện.

Và nếu nhìn theo mục tiêu này, thay vì gò bó, GV sẽ có nhiều cơ hội và sáng kiến để giảng dạy cho HS vì mục tiêu là truyền đạt toàn diện; trong khi đó, hiệu quả đạt được sẽ phụ thuộc vào năng lực riêng của từng HS.

Tin cùng chuyên mục