Năm học mới 2022-2023 khai giảng đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam. Những ngày gần đây, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đến thăm các trường đều nhắc đến lời Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược, đóng vai trò quyết định đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Như vậy, mong ước của Bác Hồ cũng như Đảng ta đều hy vọng rất nhiều ở thế hệ trẻ.
Năm học mới này là năm học mà Quốc hội sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cả đất nước đều mong muốn việc thực hiện chương trình mới phải đạt một tiến bộ mới, khắc phục được những hạn chế của giáo dục. Do đó, năm học này các trường học sẽ phải chú trọng đổi mới công tác quản trị theo hướng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; đổi mới tổ chức, hình thức dạy và học theo mục tiêu phát huy năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Tăng cường chất lượng GD-ĐT, làm thế nào để nhà trường, phụ huynh cùng chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý học sinh.
Có thể thấy, năm học mới này có thách thức lớn nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi thầy và trò phải quyết tâm đổi mới trong hoạt động giáo dục, đồng thời hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra. Làm sao để chấm dứt các “câu chuyện buồn” trong giáo dục. Làm sao giúp các trường học, kể cả các trường miền núi hòa nhập được với sự tiến bộ chung. Cần ưu tiên giáo dục miền núi, quan tâm đến các thầy cô giáo ở vùng khó khăn, không để tồn tại các “điểm trũng về giáo dục”, không để tình trạng giáo dục vùng khó quá thua kém. Đảng, Nhà nước, nhân dân đều rất quan tâm, đầu tư cho giáo dục, tinh thần của chúng ta là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, làm sao để tất cả cùng phát triển.
Mỗi năm học mới, tôi lại trăn trở về một trong những vấn đề khó nhất hiện nay của giáo dục, đó là lương giáo viên. Tình trạng giáo viên bỏ dạy còn nhiều, nên phải chăm sóc đội ngũ giáo viên. Chăm sóc không nhất thiết là phải sớm tăng lương, mà thái độ kính trọng thầy cô của học sinh, sự quan tâm về tinh thần của phụ huynh là nguồn khích lệ lớn giúp giáo viên có thể vượt qua khó khăn. Tôi bắt đầu đi dạy từ năm 18 tuổi, thời đó rất gian khó, nhưng sự nhiệt tình, tôn trọng của sinh viên (có nhiều sinh viên lớn hơn tôi cả chục tuổi) khiến tôi tin tưởng và từng bước trưởng thành. 84 tuổi, gắn bó nhiều với giáo dục, tôi rất hiểu, với nghề giáo, vật chất chỉ là một phần; sự quan tâm, động viên về tinh thần của phụ huynh, sự tôn trọng, yêu mến của học sinh mới là động lực lớn nhất để thầy cô vượt qua khó khăn, làm tốt sự nghiệp “trồng người” của mình. Để giáo viên có lương cao phải có thời gian, còn điều có thể làm ngay là động viên về mặt tinh thần cho đội ngũ giáo viên.
Mỗi thầy cô giáo cũng phải là tấm gương tự học để học sinh noi theo. Trong thời đại 4.0 hiện nay, việc học tập, bồi dưỡng phải được giáo viên coi trọng để đáp ứng tinh thần ham hiểu biết của học sinh.
Giáo dục hiện nay phải là giáo dục thời đại 4.0, khi mà các quốc gia đều đã đi theo con đường 4.0 một cách thực sự. Do đó, ngành giáo dục phải chuẩn bị cho thế hệ học sinh hôm nay cả về kiến thức, tư tưởng và tinh thần để các em có ý thức bước vào thời đại 4.0 một cách thực sự, với tinh thần ham hiểu biết, ham khoa học, ham đổi mới. Có như thế đất nước mới thay đổi được. Đất nước không phát triển theo 4.0 sẽ trở nên lạc hậu, vì cả thế giới đều sẽ thay đổi. Do đó, giáo dục làm sao phải phát huy được tinh thần đổi mới, khởi nghiệp trong thế hệ trẻ. Thầy cô phải thực sự thay đổi, bứt phá để lan tỏa, khích lệ được tinh thần ham muốn học tập, khởi nghiệp cho học sinh, để học sinh hiểu rằng, thời đại 4.0, tri thức chính là một lực lượng, là sức mạnh. Thầy cô phải giúp các em hiểu rằng, kiến thức học ở trường chỉ là một phần, mà việc học tập phải là suốt đời, và ý chí con người mới là quan trọng nhất. Con người phải luôn ham học hỏi, tìm tòi, có ý chí vươn lên, phấn đấu ngày một tiến bộ, trở thành con người tử tế, sống có mục tiêu, lẽ sống, có ước muốn đóng góp cho xã hội…