Giáo dục thanh thiếu niên hư tại Đà Nẵng: Tham quan... trại giam

Giáo dục thanh thiếu niên hư tại Đà Nẵng: Tham quan... trại giam

Thanh thiếu niên chậm tiến tham quan khu lao động tại Trường Giáo dưỡng số 3

Thanh thiếu niên chậm tiến tham quan khu lao động tại Trường Giáo dưỡng số 3

Ngày 7-9, 294 thanh thiếu niên chậm tiến (có hành vi quậy phá, trộm cắp được địa phương quản lý, giáo dục) được đưa đi tham quan… trại giam. Đây là cách giáo dục mà Thành đoàn TNCS Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh và Công an TP Đà Nẵng áp dụng để giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn TP.

Sáng sớm, 294 em thanh thiếu niên chậm tiến của 7 quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng, phần lớn đang theo học tại các trường phổ thông trên địa bàn TP Đà Nẵng, được đưa đi tham quan trại giam. Điểm đến đầu tiên là Trường Giáo dưỡng số 3 Tân Hòa (đóng tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - nơi giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng tại các tỉnh miền Trung.

Đến đây, các em thanh thiếu niên được đi tham quan buồng tạm giam, nơi ở, phòng ăn, nơi học tập và làm việc của những thanh thiếu niên hư hỏng đang học tập tập trung tại đây. Dừng tại ô cửa sổ buồng giam 2 thiếu niên hư hỏng vừa vào trại, nhiều em thanh thiếu niên chậm tiến thay đổi nét mặt một cách nhanh chóng. Đôi mắt cụp xuống, mặt xanh lét, hai tay đan vào nhau, miệng lí nhí… vì sợ. Có lẽ, ở ngoài xã hội, khi quậy phá, đánh nhau, ăn cắp, ăn trộm… các em không nghĩ được rằng tương lai của mình là phía sau ô cửa sổ nhỏ bé, u ám và lạnh lẽo kia.

Ra khỏi Trường Giáo dưỡng số 3, các em thanh thiếu niên tiếp tục tham quan Trại tạm giam Hòa Sơn. Các em cũng được dẫn đi xem nơi tăng gia sản xuất, buồng tạm giam, nơi sinh hoạt… của các phạm nhân. Khuôn mặt các em cũng đầy cung bậc cảm xúc. Và điểm cuối cùng trong chuyến tham quan này là cuộc nói chuyện của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng với các em…

Sau khi đi tham quan, em Nguyễn Viết Hùng (17 tuổi, trú huyện Hòa Vang) bỏ học từ năm lớp 8 vì nghiện game online, đang được địa phương giáo dục do vi phạm pháp luật ăn năn: “Nghỉ học rồi, không biết làm gì, em theo đám bạn xấu gây gổ đánh nhau, rồi trộm cắp… Ở nhà ăn cơm cha mẹ rồi đi chơi, em không biết cuộc sống cực khổ thế nào. Nay đến xem phạm nhân ở đây em mới cảm thấy sợ, mới thấy giá trị cuộc sống gia đình”.

Tâm sự trước 294 em thanh thiếu niên chậm tiến, em Trương Bá Liên, học viên Trường Giáo dưỡng số 3 khuyên chân thành: “Tôi cũng như các bạn, trong một phút nông nổi, vì nghiện game online nên bỏ học và cuối cùng là phạm tội. Tôi đã đánh mất tương lai của mình và phải đi học tập tập trung. Đến trường, được các thầy cô dạy những điều hay lẽ phải, chỉ ra những thói hư tật xấu của mình, tôi hiểu được cái gì xấu nên tránh, cái gì tốt nên học. Tôi khuyên các bạn đừng như tôi mà đánh mất cuộc đời mình, làm khổ thầy cô, gia đình và bè bạn…”.

Trong buổi nói chuyện với 294 em thanh thiếu niên chậm tiến, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh dặn dò: “Lãnh đạo TP rất quan tâm các em, hiểu được sự bồng bột do tuổi trẻ. Các em được đưa đi tham quan trại giáo dưỡng, trại tạm giam để qua đó các em tự lựa chọn cho tương lai của mình, hoặc trở thành phạm nhân, hoặc trở thành công dân tốt. Tôi tin tưởng sau chuyến tham quan này, các em bỏ được những thói hư tật xấu, trở thành những công dân tốt góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội đang nhức nhối hiện nay”.

Sau thành công của cuộc gặp gỡ những ông chồng vũ phu, đến nay, TP Đà Nẵng lại nghĩ ra sáng kiến mới, áp dụng phương pháp giáo dục thực tế nhằm đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho giới trẻ sống tốt.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục