Giáo dục STEM - mô hình giáo dục thời đại 4.0

Giáo dục STEM từng bước phát triển qua các cuộc thi về ứng dụng khoa học kỹ thuật và những triển lãm khoa học được tổ chức trên địa bàn Đà Nẵng.

 

Sinh viên khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST) trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với cuộc thi “Robot Dò Mê Cung- Maze Runner Robot Race”
Sinh viên khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST) trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với cuộc thi “Robot Dò Mê Cung- Maze Runner Robot Race”

Từ triển lãm, cuộc thi khoa học...

Thay vì trước đây chỉ được biết đến trên lý thuyết và sách vở khô khan, bây giờ với phương pháp giáo dục STEM (viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học) - một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế), học sinh có thể được tiếp cận với những sản phẩm khoa học công nghệ từ rất sớm và khơi gợi được mong muốn tìm hiểu sâu.

Tại triển lãm, trình diễn các sản phẩm công nghệ của học sinh, sinh viên năm 2021, cuộc thi "Robot Dò Mê Cung- Maze Runner Robot Race” tạo nên sân chơi thú vị và giao lưu học hỏi đam mê, sở thích về robot cho các bạn học sinh THPT Phan Châu Trinh và sinh viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Giáo dục STEM - mô hình giáo dục thời đại 4.0 ảnh 1Việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện thông qua tổ chức trò chơi đơn giản, gợi hứng thú cho học sinh THPT 

Theo em Phan Minh Anh, thành viên cuộc thi Robot dò mê cung, bản chất giáo dục STEM là sự kết hợp các kỹ năng cần thiết liên quan đến nhiều lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) để người tiếp cận có thể vận hành và giải quyết các vấn đề được tốt hơn. Vì thế, không chỉ đợi đến các bậc học cao, mà có thể áp dụng ở tất cả các bậc học.

“Để tham gia trò chơi, các em học sinh THPT hiểu được cách hoạt động của một con robot cũng như là khả năng của trí tuệ nhân tạo và những ứng dụng của điện toán đám mây, đặc biệt chọn ra những thuật toán dò đường tối ưu nhất. Việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện thông qua tổ chức trò chơi đơn giản, gợi hứng thú cho học sinh THPT”, em Minh Anh chia sẻ.

Những mô hình dự thi trong cuộc thi “Robot Dò Mê Cung- Maze Runner Robot Race”

Tại ngày hội Robothon 2020 cấp quốc gia với chủ đề “Vì một thế giới không Covid-19”, mỗi đội có 30 phút để lập trình và thử nghiệm vận hành robot, sau đó là 2 phút để hoàn thành 5 nhiệm vụ ban tổ chức đưa ra, bao gồm: vận chuyển người F0 về khu vực cách ly F0, vận chuyển bình sát khuẩn đến vị trí F0 cách ly (dành cho trình độ trung cấp và cao cấp), vận chuyển người F1 về khu vực cách ly F1 và vận chuyển người F2 về khu vực cách ly F2. Bằng phương pháp giáo dục STEM, ngày hội khuyến khích các tài năng trẻ là em học sinh chủ động tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cho những vấn đề của địa phương và xã hội.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đặt nhiều niềm tin vào phương pháp giáo dục mới này. Theo bà Hậu, áp dụng chương trình giảng dạy STEM này vào trong giáo dục sẽ thúc đẩy niềm đam mê sáng tạo của những em học sinh, sinh viên. Từ lý thuyết khoa học công nghệ mà các thầy, cô truyền đạt trên trường lớp, các em dễ dàng vận dụng trong những nghiên cứu sáng tạo của bản thân. Với triển lãm hay những cuộc thi khoa học, tinh thần STEM được lan tỏa đến những em học sinh THPT. Từ đó có thể hy vọng vào một sự liên kết giữa trường đại học và trường THPT cùng tạo nên những sản phẩm khoa học tốt và có tính thực tiễn cao trong tương lai.

“Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên được phát triển mạnh như phương pháp giảng dạy STEM bởi các em được hỗ trợ tương tác, học tập lẫn nhau trên thực tiễn”, bà Hậu cho hay.

Đưa STEM vào trường học

Ngành giáo dục đã tích cực thực hiện giáo dục STEM, xây dựng các chủ đề dạy học liên môn

Ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhìn nhận, phù hợp với xu hướng thời đại 4.0, STEM không đặt nặng tính lý thuyết mà giúp trẻ tư duy, giải quyết những vấn đề trong cuộc sống dựa trên cơ sở khoa học chặt chẽ và có tính ứng dụng cao. Việc triển khai giáo dục STEM trong giảng dạy là bước đầu truyền cảm hứng cho các em niềm đam mê đối với khoa học, công nghệ và góp phần định hướng lĩnh vực phù hợp cho các em. Nhiều chương trình của giáo dục STEM đã được các trường trên địa bàn thành phố đưa vào triển khai giảng dạy đạt được nhiều hiệu quả tích cực ban đầu.

Để thực hiện giáo dục STEM, từ năm 2019 đến nay, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho hàng trăm cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM. Các trường THCS, THPT triển khai giáo dục STEM với các yêu cầu mỗi học kỳ thực hiện ít nhất hai chủ đề và sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học. Từ khi triển khai giáo dục STEM, đã có 61 trường THCS tham gia với hơn 600 chủ đề/năm học; 29 trường THPT tham gia với hơn 150 chủ đề/năm học…

Tại trường học, giáo dục STEM chủ yếu thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật
Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM tại một số trường vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đáp ứng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc thực hiện cũng chưa đồng đều và thường xuyên, hoạt động giáo dục STEM chủ yếu thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật. Một điều quan trọng là phương pháp này yêu cầu nhiều sự kiên trì, nhẫn nại của giáo viên hướng dẫn, sự cố gắng của các em học sinh để phát huy hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục