Ông Trần Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo giá trị sống - kỹ năng sống YMCA, dẫn chứng một nội dung giáo dục ý thức bỏ rác được kêu gọi như sau: “Bỏ rác vô thùng là anh hùng đất Việt”. Hay, một tiết học về lòng trung thực trong môn Đạo đức, cô giáo lại cho một số học sinh học lực bình thường nghỉ học vì… có người dự giờ; các em còn lại giơ tay phát biểu ào ào.
Vô hình trung, giữa cách dạy/cách nói và cách làm đã khác nhau. Làm sao trẻ học được tính trung thực khi bản thân hoang mang trước mâu thuẫn giữa cách làm thực tế và bài học lý thuyết.
Tương tự, có trường học kêu gọi các em học sinh đóng góp sách vở cho trẻ em nghèo, nhằm xây dựng tình yêu thương nơi các bạn trẻ. Tuy nhiên, khi trao tặng, thì chỉ có giáo viên, ban giám hiệu lên tặng sách, tập; các em học sinh - chính là người đã góp tập, sách - thì đứng nhìn.
Học sinh TPHCM trong buổi học kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Huy, có sự không ổn trong cách dạy tình yêu thương ở đây: người lớn đã dàn cảnh, người lớn làm rồi báo cáo đã dạy tình yêu thương cho trẻ; còn tình yêu thương thực sự khó mà đọng lại ở trẻ với cách làm như thế.
Các chuyên gia về trẻ em đề xuất, giáo dục kỹ năng sống không nên tách rời nền tảng là giáo dục giá trị sống và cần được lồng ghép, tổng hòa vào tất cả mọi hoạt động của nhà trường, xây dựng giáo dục nhân bản.
Việc dạy kỹ năng sống, giá trị sống phải là một tiến trình liên tục, không nên mang tính chắp vá như hiện nay. Đặc biệt, cần tạo môi trường thực hành cho trẻ để kỹ năng sống, giá trị sống trở thành thói quen, ở lại với trẻ lâu dài trong cuộc sống.
Phương pháp giáo dục cần thay đổi từ thụ động sang chủ động: Trẻ em được lên tiếng, được tham gia, nói lên vấn đề của mình và tìm ra giải pháp cho mình; giáo viên chỉ là người hỗ trợ.
Một điểm hết sức quan trọng, khi người lớn dạy cho trẻ em các giá trị sống, bản thân người lớn cũng phải sống với các giá trị tốt đẹp đó; chứ không nói một đằng, làm một nẻo.
Trước nhiều hạn chế như hiện nay, ông Trần Công Bình, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp TPHCM, đề nghị các nhóm, câu lạc bộ, tổ chức… cần gắn kết trao đổi, giới thiệu và triển khai các mô hình, dự án hiệu quả trong giáo dục kỹ năng sống và tư vấn học đường.
Việc này nên gắn với việc triển khai Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong ngành giáo dục giai đoạn 2017-2020 của Bộ GD-ĐT, được xem là cơ sở pháp luật quan trọng tạo nền tảng thúc đẩy hoạt động tư vấn học đường.
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐTB-XH TPHCM), mong muốn các chuyên gia hỗ trợ TP chuyển đổi từ tư vấn học đường sang xây dựng mô hình công tác xã hội trong trường học, cụ thể về phòng ốc, con người, nội dung…