Trước đó không lâu, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh 1 học sinh cấp 2 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Thanh Hóa) bị một nhóm bạn đánh hội đồng dã man... Và hàng loạt vụ việc bạo lực học đường khác đã xảy ra trong thời gian qua, khiến không ít phụ huynh và xã hội lo ngại.
Qua thống kê của ngành giáo dục, mỗi năm, toàn quốc xảy ra cả ngàn vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cứ trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng gấp hơn 10 lần… Những số liệu này thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là số vụ được báo cáo, tựa như “phần nổi của tảng băng”, bởi còn nhiều trường hợp khác mà nạn nhân chỉ biết âm thầm chịu đựng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, nhưng phần lớn cả thủ phạm lẫn nạn nhân thường có hoàn cảnh neo đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Không ít gia đình vì miếng cơm manh áo đã phó mặc chuyện dạy dỗ con em cho nhà trường. Trong khi đó, với áp lực thành tích, giáo viên phải vừa chạy theo chương trình vừa phải cáng đáng hàng chục thứ sổ sách khác nhau, nên ít thời gian quan tâm đến hoàn cảnh, tâm lý từng học sinh. Hơn thế nữa, mảng tư vấn tâm lý học đường vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức.
Gia đình, nhà trường và xã hội luôn được đề cập khi nói đến bạo lực học đường, nhưng cũng không phủ nhận môi trường sư phạm ít nhiều có sự xuống cấp, sự nhận thức của không ít học sinh lệch lạc. Nhiều nguyên nhân của bạo lực học đường cũng được quy cho xã hội, kiểu như xã hội xuống cấp, mặt trái kinh tế thị trường làm trượt dốc và suy thoái đạo đức…
Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng, chủ thể chính phải là gia đình. Giáo dục gia đình phải là nền tảng. Phụ huynh phải quan tâm đến con em mình, trang bị cho chúng đủ kiến thức cũng như đạo đức, bản lĩnh để hòa nhập trong môi trường cộng đồng, trường học. Cùng với đó, ngành giáo dục cần cấp thiết đổi mới chương trình sát thực với cuộc sống, tránh chạy theo thành tích mà quên đi trách nhiệm giáo dục nhân cách cho lứa tuổi học sinh.