Giáo dục ĐBSCL đang ở đâu? Bài 1: Cơ sở vật chất – Nỗi lo dai dẳng

Giáo dục ĐBSCL đang ở đâu? Bài 1: Cơ sở vật chất – Nỗi lo dai dẳng

Năm 1999, Chính phủ đã chỉ đạo tổng mức đầu tư cho giáo dục vùng ĐBSCL là 22% (tương đương với tỷ lệ dân số của vùng này so với cả nước). Nhưng đến năm 2006, con số này chỉ dừng ở mức 17,17%.

Trong nhiều năm qua, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị từ trung ương đến địa phương đã được tổ chức để tìm ra nguyên nhân vì sao ĐBSCL, vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng lại có trình độ dân trí thấp nhất trên bản đồ giáo dục. Có một thực tế không thể chối cãi là việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục tại ĐBSCL còn thấp.

  • Khổ vì trường, lớp xuống cấp

Theo báo cáo số 131 ngày 30-8-2007 của UBND tỉnh Trà Vinh gửi Bộ Giáo dục thì địa phương này có 5.149 phòng học, trong đó có 2.139 phòng có nhu cầu phải xây dựng lại. Cụ thể: có 748 phòng học tạm bợ bằng tre, lá, 937 phòng bán kiên cố nay đã xuống cấp trầm trọng và có đến 454 phòng học “ở đậu” nhà dân. So với các tỉnh khác trong khu vực, Trà Vinh là một trong những tỉnh đầu tư cho giáo dục thấp. Nhiều trường, nhiều phòng học xuống cấp gây khó khăn cho học sinh và giáo viên.

Giáo dục ĐBSCL đang ở đâu? Bài 1: Cơ sở vật chất – Nỗi lo dai dẳng ảnh 1

Nhiều nơi tại ĐBSCL học sinh vẫn còn học tạm trong nhà tre lá (ảnh chụp một trường tiểu học tại xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, Trà Vinh). Ảnh: LÊ CHINH

Tại thị xã Trà Vinh, hiện có rất nhiều trường xuống cấp đang chờ kinh phí để kiên cố hóa. Trường THCS Long Đức (xã Long Đức, TX Trà Vinh) được đưa vào đề án xây dựng thành trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2001 nhưng đã 7 năm nay, trường mới chỉ xây dựng được một vài công trình phụ như: phòng tin học, phòng thư viện, phòng học tiếng Anh (do tổ chức Room To Read tài trợ).

Ông Lâm Tấn Lập, Hiệu trưởng Trường THCS Long Đức nói thêm: “Trường được đưa vào sử dụng đến nay tròn 10 năm, đã qua 3 lần gia cố. Hiện nay, toàn bộ 10 phòng học đều trong tình trạng xuống cấp, rệu rã. Với 711 học sinh theo học, không đủ phòng, trường đã phải dựng tạm một lớp học bằng tole cho học sinh học tạm”.

Theo Ban giám hiệu trường, số bàn ghế hiện có là “xin” lại của nhiều trường khác đã qua sử dụng. Vì thế có đến trên 80% thiếu chất lượng, mục nát. Ngoài ra, sân trường rất thấp nên khi trời mưa, sân trường trở thành “ao”, cả tuần nước mới rút hết, gây nhiều khó khăn cho việc học và sinh hoạt của cả thầy và trò.

Theo đúng kế hoạch, đến năm 2009, Trường THCS Long Đức phải đạt chuẩn quốc gia, nhưng với cơ sở vật chất hiện tại, xem ra mục tiêu khó thành hiện thực.

Tại Sóc Trăng, tình hình trường lớp cũng hết sức khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 3.346 phòng học xuống cấp và 17 phòng học 3 ca.

Trong năm 2008, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư 129.261 tỷ đồng để xây 870 trường học và hiện đã hoàn thành được 18 phòng. Chính vì trường học xuống cấp nên gây khó khăn cho học sinh và giáo viên trong tỉnh.

Trường Tiểu học phường 8 nằm gần trung tâm TP Sóc Trăng được một tu viện cho mượn tạm một căn nhà để dạy và học từ năm 1975 nhưng đã hơn 30 năm, trường vẫn chưa được tu bổ. Những ngày mưa, sân trường cũng “biến” thành sông sâu từ 40-50 cm.

Trường hiện có 19 phòng nhưng gần một nửa phải niêm phong vì quá xuống cấp và có thể sập bất cứ lúc nào. Được biết, Trường Tiểu học phường 8 sẽ được xây dựng mới nhưng tất cả “mới lên kế hoạch chờ tỉnh duyệt”.

  • Thiếu kinh phí và chậm giải ngân

Đầu năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (KCHTL-NCVCGV) giai đoạn 2008-2012 với tổng kinh phí gần 2.800 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là xóa bỏ phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại và giải quyết nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Theo số liệu công bố ngày 19-11-2007 của Bộ GD-ĐT cả 13 tỉnh ĐBSCL có 18.775 phòng học tạm thời. Tuy nhiên đến ngày 15-10-2008, chỉ có 1.633 phòng được triển khai xây dựng và số phòng học đang làm thủ tục đầu tư xây dựng là 2.817.

Giáo dục ĐBSCL đang ở đâu? Bài 1: Cơ sở vật chất – Nỗi lo dai dẳng ảnh 2
Cơ sở vật chất Trường Tiểu học phường 8, TP Sóc Trăng xuống cấp nặng

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT trong Hội nghị giao ban lần 1 các sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL ngày 24-11-2008 tại Tiền Giang thì việc thực hiện đề án KCHTL-NCVCGV ở hầu hết các địa phương tại ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn.

ĐBSCL có tiến độ giải ngân bình quân cho các đề án là 18,9%, nhưng chỉ có 3 tỉnh giải ngân cao là Sóc Trăng: 33,5%, Tiền Giang: 33,9% và An Giang: 40%, các tỉnh còn lại giải ngân rất thấp.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của đề án này, tỉnh Trà Vinh đầu tư 265 tỷ đồng từ các nguồn trái phiếu chính phủ: 79% và nguồn thu từ kết quả xổ số kiến thiết địa phương: 21%, xây dựng 1.490 phòng học và 336 nhà công vụ cho giáo viên theo tiêu chuẩn 169 triệu đồng/phòng học 64m2 và 40 triệu đồng/phòng 24m2 nhà công vụ giáo viên.

Bên cạnh nguồn kinh phí của Chính phủ và địa phương thì người dân cũng chung tay cùng nhà nước xây dựng trường học. Tuy nhiên, Trà Vinh vẫn còn thiếu kinh phí để kiên cố hóa lại trường lớp.

Như vậy, thực hiện xong đề án này đến năm 2013, tỉnh Trà Vinh vẫn còn 1.999 phòng học có nhu cầu phải xây dựng. Đó là còn chưa kể đến việc xây dựng trường học thân thiện khi mà nhiều trường trong tỉnh không có nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh xuống cấp và thiếu phòng chức năng.

Sau gần 1 năm thực hiện đề án KCHTL-NCVCGV, đến nay vấn đề cơ sở vật chất phục vụ giáo dục vẫn là một thực tế nhức nhối đặt ra cho ngành giáo dục ĐBSCL.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số phòng học tạm thời ở vùng ĐBSCL như sau: Tiền Giang: 2.161 phòng, Vĩnh Long: 855 phòng, Bến Tre: 2.439 phòng, An Giang: hơn 2.100 phòng học, Kiên Giang: 2.552 phòng, Cần Thơ: 1.949 phòng, Hậu Giang: 683 phòng, Bạc Liêu: 692 phòng, Cà Mau: 2.004 phòng, Long An: 2.077 phòng.

Đ.Tuyển – L.Chinh

Tin cùng chuyên mục