Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và tu dưỡng đạo đức. Người cho rằng đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng, vì vậy đã viết rất nhiều tác phẩm về đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Những tác phẩm tiêu biểu của Người về đạo đức cách mạng có thể kể tới, đó là: Đường kách mệnh; Sửa đổi lối làm việc; Chủ nghĩa cá nhân; Cần kiệm liêm chính; Đạo đức cách mạng; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân...
Đầu năm 1927, những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành cuốn sách với tên Đường kách mệnh.
Một trong những nội dung quan trọng của tác phẩm này là về giáo dục đạo đức cách mạng. Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.
Lớp học tại Di tích lịch sử trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu - nơi Bác trực tiếp đào tạo những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Đảng. Ảnh: HOÀI NAM
Như vậy là ngay trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 23 tư cách của người cách mạng. Khi xem xét các tác phẩm của Người, từ bài giảng đầu tiên trong Đường kách mệnh đến bản Di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức.
Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đánh giá, trong rất nhiều các giá trị về tư tưởng Hồ Chí Minh thì có giá trị rất lớn, đó là tư tưởng về đạo đức và giáo dục đạo đức cách mạng. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm tòi, khảo nghiệm và cho rằng trong quản lý xã hội và đất nước sẽ phải sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau.
Tất nhiên, các công cụ quản lý xã hội ấy bao giờ cũng hướng đến việc hạn chế tối đa lạm quyền, kiểm soát tốt quyền lực để quyền lực không bị tha hóa. Nếu quyền lực bị lợi dụng và tha hóa, chắc chắn những người chịu thiệt thòi nhất chính là nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng nỗi lo canh cánh “như lòng mẹ”, và bằng tình yêu thương nhân dân đã lo lắng cho thân phận của những người dân “thấp cổ bé họng” - những người cần được chăm lo và bảo vệ, nên đã luôn luôn đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ cán bộ dưới quyền.
Người đề ra rất nhiều các giải pháp để nhằm hạn chế quyền lực, kiểm soát quyền lực. Một trong những đóng góp lớn nhất của Người chính là đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn của việc rèn luyện và tu dưỡng về đạo đức.
Trong những năm qua, mặt trái cơ chế thị trường đã tác động không nhỏ đến một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, suy thoái đạo đức, lối sống.
Những hiện tượng phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, lợi dụng quyền hành, thoái hóa, biến chất đã xảy ra, làm cho uy tín của đảng viên và vai trò của tổ chức đảng giảm sút.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện mơ hồ, thờ ơ với chính trị, không hoặc ít quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội đang diễn ra; giảm sút ý chí, niềm tin; ngại và không thích tham gia các hoạt động chính trị - xã hội.
Một số cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ quan tâm đến lợi ích, quyền lợi của cá nhân mà không tính đến lợi ích, quyền lợi của tập thể, của cộng đồng.
Về vấn đề này, trong rất nhiều nghị quyết, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã chỉ ra nguyên nhân, đã “bắt trúng bệnh”.
Tuy nhiên, vấn đề “trị bệnh” như thế nào vẫn còn là quá trình lâu dài đã và đang tiếp tục được tiến hành căn cơ, bài bản, quyết liệt.
Đối với Đảng, tổ chức tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng thật trong sạch, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”, Người thường nhắc lại ý của Lênin: Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại.
Người nêu yêu cầu đạo đức đối với các giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội, trên mọi lĩnh vực hoạt động, trong mọi phạm vi, từ gia đình đến xã hội, trong cả 3 mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với việc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đặc biệt được mở rộng trong lĩnh vực đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền.
Dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường hiện nay, rất nhiều những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đã tác động tiêu cực đến môi trường xã hội của mỗi người. Nhiều vấn đề trong cuộc sống, nếu chỉ dùng đạo đức, nhân nghĩa để giải quyết thường không mang lại hiệu quả.
Thế nhưng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà mỗi cán bộ, đảng viên phải trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, phải tự mình tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng để hoàn thiện mình hơn, để trong sáng hơn, trách nhiệm hơn trong công việc.
Chỉ có rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự giác hơn, còn chỉ trông chờ vào tính răn đe của pháp luật thì chắc chắn người ta sẽ biết cách và tìm cách lách luật.
Những bài học về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ giảng dạy những lớp cán bộ đầu tiên ở Quảng Châu đến mãi sau này trong suốt cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ của Người, là những bài học vô giá.
Người không chỉ giảng dạy về đạo đức cách mạng, mà còn là một tấm gương sáng ngời, là hình mẫu tiêu biểu của đạo đức cách mạng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi tình thế cách mạng đã thay đổi, khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền thì một trong những nguy cơ rất lớn của Đảng, đảng viên là phai nhạt lý tưởng, xa rời nhân dân; do đó, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Kỷ niệm 90 năm ra đời tác phẩm Đường kách mệnh lại nhắc nhớ mỗi người cán bộ, đảng viên về điều hệ trọng thiêng liêng này.
Sinh thời, Bác Hồ đã nói cán bộ là cái gốc của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ mà ra. Theo Bác, người cán bộ, đảng viên phải là người tài, đức, hồng thắm, chuyên sâu. Đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức và tài của người cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, là hai mặt không tách rời mà hòa quyện với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau để hoàn thiện hình thành nhân cách người cán bộ cách mạng.