Mô hình đại học 4.0 nhất thiết phải có nghiên cứu khoa học và sáng tạo (sinh viên Khoa Dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành)
Peter Fisk - người sáng lập Geniusworks, giám đốc của Thinkers50 Global và là giáo sư về chiến lược, đổi mới và tiếp thị tại IE Business School (Madrid, Tây Ban Nha). Ông hiện được xem như một nhà tư tưởng về chiến lược, sự đổi mới và tăng trưởng. 7 cuốn sách bán chạy nhất của ông được dịch sang 35 ngôn ngữ, bao gồm cả “Gamechangers” gần đây nhất.
Theo Peter Fisk, “Giáo dục 4.0” sẽ là tương lai gần của ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi mà con người và máy móc phù hợp để tạo ra những khả năng mới. Nhân loại sẽ khai thác tiềm năng của các công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu cá nhân, nội dung nguồn mở, sự kết nối toàn cầu… để tạo ra vô số tiện ích cho nhân sinh. Với “Giáo dục 4.0”, người ta sẽ bắt đầu học từ thời thơ ấu, học liên tục, học đến khi làm việc và cuối cùng - đích đến - là sống cuộc sống tốt đẹp hơn. Peter Fisk khái niệm “Tương lai của giáo dục” là... đừng cố học mọi thứ! Điều quan trọng là phải biết bạn cần cái gì, kiến thức hay kỹ năng và sau đó tìm nó ở đâu.
Kết quả của nhiều cuộc thảo luận, khảo sát, trao đổi nghiên cứu đã đưa ra các xu hướng - hình thức học theo hướng “Giáo dục 4.0”: Đa dạng về thời gian và địa điểm học. Học sinh sẽ có nhiều cơ hội để học ở những thời điểm khác nhau và ở những nơi khác nhau. Các công cụ eLearning tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập từ xa, tự học. Phần lý thuyết học bên ngoài lớp học, trong khi phần thực hành phải được dạy trực tiếp, mặt đối mặt.
Học tập cá nhân: Học sinh sẽ học với các công cụ thích nghi và phù hợp khả năng. Học sinh gặp khó khăn với môn học sẽ có cơ hội thực hành nhiều hơn cho đến khi đạt đến mức yêu cầu. Giáo viên hỗ trợ những trải nghiệm học tập tích cực để sinh viên tự tin, nghiên cứu, tự học.
Tự do lựa chọn: Sinh viên có thể sửa đổi lịch trình học tập với các công cụ họ cảm thấy cần thiết. Học sinh sẽ học với các thiết bị khác nhau, các chương trình và kỹ thuật khác nhau dựa trên sở thích của riêng mình.
Dự án khi học: Học sinh thích nghi với việc học tập và làm việc theo dự án từ trường trung học. Học sinh học cách áp dụng các kỹ năng để giải quyết những tình huống khác nhau, đồng thời học các kỹ năng quản lý tổ chức, cộng tác và quản lý thời gian học tập - làm việc.
Kinh nghiệm ứng dụng: Công nghệ có thể tạo thuận lợi trong một số lĩnh vực nhất định; chương trình giảng dạy sẽ tạo chỗ cho các kỹ năng mà chỉ cần có kiến thức của con người và tương tác mặt đối mặt. Do đó, kinh nghiệm trong “lĩnh vực” sẽ được nhấn mạnh trong các khóa học. Các trường học sẽ cung cấp nhiều cơ hội hơn cho học sinh để có được những kỹ năng thực tế đại diện cho công việc của họ.
Các kỳ thi sẽ thay đổi hoàn toàn. Vì nền tảng chương trình học sẽ đánh giá năng lực của sinh viên ở từng giai đoạn nên việc đánh giá kiến thức học sinh - sinh viên có thể trở nên không đầy đủ. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, các kỳ thi dạng sát hạch kiểu hiện nay khiến học sinh có tâm lý đối phó, học tủ, kiến thức bị nhồi nhét và “học trước, quên sau”. Do đó, phương pháp đánh giá kiến thức thực tế của một học sinh phải được xuyên suốt cả quá trình học tập và kiểm tra tốt nhất là đánh giá cách học sinh làm việc trên các dự án tại hiện trường.
Học sinh sẽ dần tham gia vào chính chương trình giảng dạy đối với mình. Nhà giáo dục phải đồng hành với học sinh để hình thành và duy trì một chương trình học hiện đại, cập nhật, hữu ích. Các giáo viên đóng vai trò trung tâm hướng dẫn trong “rừng thông tin” mà học sinh sẽ tìm tòi, học hỏi, trải nghiệm. Và dù giáo dục có tiến đi xa cách mấy, học sinh có tiếp cận tri thức từ quá nhiều nguồn thì giáo viên và nhà trường cũng là nơi quyết định nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.