Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa:

“Giao đất đồng nghĩa với giao cả bờ biển thì hỏng!“

Ngày 10-1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành làm việc với Quận ủy Ngũ Hành Sơn.
Một góc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (Ảnh: TL)
Một góc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (Ảnh: TL)

Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn có nhiều kiến nghị với Bí thư Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố và lãnh đạo các sở ngành, như: đôn đốc sớm triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng để sớm ổn định cuộc sống người dân; mở rộng đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp vì mật độ lưu thông cao, nhiều người đi bộ nên gây ra nhiều vụ tai nạn; rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án không có điều kiện triển khai, điều chỉnh quy hoạch để làm khu vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân và du khách,...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa 
Đặc biệt, ông Lê Trung Chinh đề nghị ngành Văn hoá làm hồ sơ đề nghị xếp hạng Khu danh thắng Ngũ hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo ông Lê Trung Chinh, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, là địa chỉ đỏ gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân quận Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ hệ thống chùa cổ, các phế tích đền tháp, văn bia cổ, hiện vật văn hoá Phật giáo, các di vật điêu khắc Champa và nhiều tài liệu Hán - Nôm; hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng từ thế kỷ XVII.
 
“Giao đất đồng nghĩa với giao cả bờ biển thì hỏng!“ ảnh 2 Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị lấy lại bãi biển để phục vụ cộng đồng 
Quần thể Ngũ Hành Sơn được thành phố quy hoạch để xây dựng công viên văn hoá tâm linh và đây sẽ là công trình tiêu biểu để phát triển văn hoá du lịch của thành phố. Với 5 ngọn núi: kim - mộc - thuỷ - hoả - thổ, từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hoá trong tâm thức của người dân Đà Nẵng nói riêng và là điểm đến hấp dẫn trên con đường di sản miền Trung.
 
“Giao đất đồng nghĩa với giao cả bờ biển thì hỏng!“ ảnh 3 Ông Lê Trung Chinh, Bí thư quận uỷ Ngũ Hành Sơn đề nghị lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích cấp quốc gia đặc biệt
Ngoài ra, các giá trị văn hoá vật thể, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn còn là vùng đất khai sinh ra các giá trị phi vật thể, góp phần tạo nên diện mạo văn hoá đặc trưng tại Ngũ Hành Sơn. Và từ lâu, các giá trị phi vật thể này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo đối với khách hành hương, du khách, như: làng đá mĩ nghệ Non Nước với 300 năm tuổi, lễ Quán Thế Âm, lễ hội Vu Lan báo hiếu, lễ hội Thạch nghệ tổ sư,...

Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, đồng thời với những cứ liệu giá trị về các hạng mục văn hoá, lịch sử, khảo cổ học và danh làm thắng cảnh của Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn,... quận Ngũ Hành Sơn đề nghị thành phố đề xuất Bộ VH-TT-DL xem xét lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, vừa qua, quận Ngũ Hành Sơn đề xuất nhưng ngành văn hoá không đồng ý.

Lấy lại bãi biển phục vụ cộng đồng

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Ngũ Hành Sơn có 12km bờ biển nhưng có đến 33 dự án du lịch. Hầu hết các dự án đều được giao đất trước năm 2006. Các dự án này ngăn cách đường ra biển của người dân. Vừa qua, Bộ TN-MT kiểm tra 15 dự án, Sở TN-MT kiểm tra 9 dự án. Hiện nay còn 4 dự án chưa triển khai và chưa tiến hành gia hạn.

Dự án biệt thự nghỉ dưỡng lấn chiếm bãi biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn 
Ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, các dự án chậm triển khai và chưa gia hạn là "cơ hội để sửa sai". Ông Nghĩa cũng thẳng thắn: "Giao đất đồng nghĩa với giao cả bờ biển thì hỏng!".

Kết luận buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, sắp đến, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch KT-XH cũng như quy hoạch chung cho phù hợp; không vội vàng, dừng lại để rà soát tổng thể.

"Điển hình như Hòa Quý đang là đất ven biển, nếu chúng ta không có quy hoạch tốt thì các dự án vào đó phá vỡ hết. Bài học của Hòa Vang là rất điển hình. Các dự án ven biển hiện có 33 dự án trên chiều dài 12km, cơ bản quy hoạch ổn rồi, góp phần phát triển du lịch nhưng lợi ích của địa phương thế nào. Đối với 33 dự án đề nghị các dự án đang chậm thì cho chậm lại. Không vội vàng gì cả. Nếu chúng ta giữ được thì coi như là của để dành. Trong các dự án đấy tôi bất ngờ là chúng ta có hai cách giao. Một là giao đất để quản lý rồi mới lập dự án. Hai là lập dự án rồi mới giao đất. Cái này phải xem xét lại. Tại sao lại có đối tượng giao đất, lúc đấy chúng ta thiếu tiền quá rồi giao đất để lấy chút tiền đất. Đây có phải là sự lãng phí rất lớn hay không. Đề nghị đối với các dự án đấy thì Sở TN-MT báo cáo lại, chỉ coi cái giao đất thôi. Chúng ta sẽ xem xét lại" - ông Nghĩa đề nghị.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, việc quy hoạch và sự "quan tâm" của thành phố đối với Ngũ Hành Sơn là chưa đúng tầm mức. "Nói đến Đà Nẵng là người ta biết đến Ngũ Hành Sơn chứ có cái gì khác đâu? Vừa là khu danh lam thắng cảnh. Trong chiến tranh thì nổi tiếng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, rồi có di tích K20. Nhưng mà chúng ta quan tâm đến Ngũ Hành Sơn tôi nghĩ là chưa đúng. Từ năm 2003 chúng ta đã có ý tưởng rồi. Nhưng cho đến nay chưa có một bản quy hoạch chi tiết cụ thể, như thế là không đạt yêu cầu." - ông Nghĩa nhận định.

Ông Nghĩa cũng đề nghị các sở ngành, địa phương tiến hành quy hoạch, lấy lại đất của các dự án tại khu đối diện với ngọn Thủy Sơn để làm công viên, khu công cộng, tạo thành một khu quần thể công viên Ngũ Hành Sơn.

Ông Nghĩa cho rằng: "Ngũ Hành Sơn mà không có biển thì không còn ra cái gì cả. Đối với 33 dự án ven biển cũng vậy. Vừa rồi Thường trực Thành uỷ cũng đã nêu yêu cầu với UBND thành phố nghiên cứu quy hoạch làm đi bộ và xe đạp dọc bờ biển. Và bãi biển phải là của chung, cộng đồng chứ không phải của một resort nào hết... Đối với các đường xuống biển, các bãi tắm cũng cần quan tâm, đầu tư cho bài bản. Từ đường biển vào phía trong thì đang làm quy hoạch chi tiết các phân khu. Ưu tiên phát triển các dịch vụ phục vụ người dân. Khách du lịch đến Đà Nẵng tăng trưởng cao nhưng nguồn thu chưa đạt vì chúng ta không có sản phẩm gì cả. Ưu tiên phát triển dịch vụ phục vụ cộng đồng. Phát triển của Ngũ Hành Sơn phải khác một chút. Phát triển đô thị mà đồng nghĩa với bê tông hóa thì không được".

Ông Nghĩa cũng đề nghị các sở ngành của TP Đà Nẵng nghiên cứu quy hoạch và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các đường hầm đi bộ thông qua đường Võ Nguyên Giáp kết hợp với quầy bán hàng lưu niệm, nhà hàng,... vừa giải quyết được vấn đề an toàn giao thông cho người đi bộ vừa có điểm kinh doanh dịch vụ.

Ông Nghĩa cũng chỉ đạo Sở Xây dựng, khi cấp phép xây dựng các dự án trên trục đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp thì phải yêu cầu xây dựng tầng hầm để kết nối với hệ thống đường hầm đi bộ dưới lòng đất cho đồng bộ.

Tin cùng chuyên mục