Ông Phạm Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật có 7 chương, 66 điều, quy định về quản lý phát triển đô thị gồm: quản lý hệ thống đô thị; phát triển đô thị theo quy hoạch; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị; quản lý nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị.
Trong đó, liên quan đến nguồn lực tài chính phát triển đô thị, người đứng đầu ngành Xây dựng cho biết, với mục tiêu thể chế hóa chính sách đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị với việc quy định bổ sung phương thức và hình thức huy động nguồn lực tài chính, trong đó có một số hình thức được quy định mới hoặc làm rõ hơn, bao gồm chuyển quyền phát triển đô thị; huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư; góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất.
Về góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất khi thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, dự thảo Luật quy định quy trình thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, đất đai và xây dựng.
Dự thảo Luật quy định nguồn lực từ các phương thức huy động nêu trên, sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước được cân đối bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công, thực hiện chương trình phát triển đô thị và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Về quản lý nhà nước về phát triển đô thị, dự thảo Luật quy định rõ phạm vi trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban Nhân dân các cấp trong quản lý phát triển đô thị, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng đô thị và cung cấp dịch vụ công cộng; thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, quy trình báo cáo…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định về nội dung của hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin quản lý phát triển đô thị; nội dung giám sát, đánh giá quá trình phát triển đô thị; trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ trong giám sát, đánh giá và báo cáo về quá trình phát triển đô thị.