Chính quyền huyện chờ hướng dẫn
Dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư đã có thông báo thu hồi đất từ năm 2015. Ông Lê Văn Tám, ngụ ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, là người có hợp đồng khoán đất trồng mía số 22/KH-2009-HĐM ngày 13-7-2009 với Công ty Cây trồng TPHCM (đơn vị có đất nằm trong dự án bị giải tỏa) cho biết, đầu năm 2016, người dân canh tác ở dự án đã thực hiện theo chủ trương của huyện, bàn giao đất cho chủ đầu tư. Nhưng đến nay, chủ đầu tư đã đưa dự án vào khai thác kinh doanh mà quyền lợi của người dân vẫn chưa được giải quyết. Người dân đã theo đuổi quy trình khiếu nại từ 4 năm qua, vì cho rằng UBND huyện Bình Chánh chưa giải quyết việc tính hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho họ (theo Điều 30 Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9-8-2018 của UBND TPHCM). UBND Huyện Bình Chánh chỉ chi trả bồi thường khi người dân làm đơn kiến nghị hoặc khiếu nại và việc bồi thường cứ kéo dài theo từng năm, kể từ đầu năm 2016 đến nay.
Nguyên nhân khiếu nại kéo dài, như văn bản trả lời của UBND huyện, là phải chờ khi các sở ngành có hướng dẫn thì huyện mới tính bổ sung bồi thường. Sở dĩ đã nhiều năm qua, huyện vẫn không thể tính được mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân bị giải tỏa là do chưa nhận quyết định phê duyệt đơn giá từ cấp trên. Do vậy, người dân phải gửi đơn khiếu nại lên Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, đề nghị sở kiểm tra công tác thẩm định và trình duyệt phương án điều chỉnh hệ số K của Phòng Kinh tế đất (thuộc Sở TN-MT) liên quan dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
10 lần trình phương án hệ số K
Để có căn cứ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, UBND huyện Bình Chánh phải chờ các sở thẩm định và trình duyệt hệ số K. Cụ thể, theo Công văn mới nhất số 3606/STNMT-KTĐ ngày 13-5-2020 của Phòng Kinh tế đất (Sở TN-MT TPHCM) yêu cầu UBND huyện Bình Chánh phải căn cứ Công văn 1328/STNMT-KTĐ ngày 26-2-2020 để có đề xuất cho phù hợp. Trong khi trước đó, tại Công văn 1604/STNMT-KTĐ ngày 6-3-2020 cũng của Phòng Kinh tế đất lại không yêu cầu UBND huyện Bình Chánh căn cứ theo Công văn 1328/STNMT-KTĐ ngày 26-2-2020 của Sở TN-MT TPHCM. Đã vậy, Công văn 1328 chỉ là tờ trình chưa được UBND TPHCM phê duyệt nhưng Phòng Kinh tế đất lại yêu cầu UBND huyện Bình Chánh phải lấy làm căn cứ!
Thanh tra UBND TPHCM sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của người dân về vụ việc này, đã gửi về Sở TN-MT TPHCM. Sau cuộc tiếp xúc giữa người dân hồi tháng 3-2020, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM đã chỉ đạo Phòng Kinh tế đất hướng dẫn UBND huyện Bình Chánh làm lại phương án hệ số K theo bảng giá đất mới năm 2020.
Trước đó, dựa trên hệ số K các dự án liền kề đã được phê duyệt (dự án xây dựng cầu Kênh Xáng Ngang; dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2; dự án Khu dân cư liền kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3), UBND huyện Bình Chánh cũng đề xuất K=5 đối với dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Thế nhưng, trong Công văn 9869/STNM-KTĐ ngày 14-11-2019, Phòng Kinh tế đất cho rằng UBND huyện Bình Chánh đưa ra hệ số K chưa phù hợp, yêu cầu huyện phải điều chỉnh. Nguyên nhân, theo Phòng Kinh tế đất, do đơn giá đất nông nghiệp của dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 cao gấp nhiều lần đơn giá đất nông nghiệp dự án BV Chợ Rẫy 2.
Ngay từ đầu, tiến độ dự án này được đặt ra là chậm nhất cuối tháng 6-2016 phải thu hồi và ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân. đến nay, đã gần 4 năm với 10 lần trình phương án điều chỉnh hệ số K, nhưng vẫn chưa được Sở TN-MT TPHCM thẩm định để UBND TPHCM phê duyệt. Những người dân ở khu giải tỏa bị thất nghiệp nhiều năm qua, có người bị bệnh nan y… liệu rằng, có chờ nổi đến khi được tính bồi thường và hỗ trợ?
10 phương án hệ số K mà huyện Bình Chánh đã trình cho Phòng Kinh tế đất thuộc Sở TNMT thì bị trả lại hết 9 lần. Nhìn hàng loạt công văn kéo dài từ năm này qua năm khác như: Công văn số 537/UBND ngày 21-3-2017; Công văn 1421/UBND ngày 15-6-2017; Công văn 2896/UBND ngày 8-11-2017; Công văn 3437/UBND ngày 29-12-2017; Công văn 418/UBND ngày 14-2-2019; Công văn 1752/UBND ngày 17-5-2019; Công văn 3440/UBND ngày 28-8-2019; Công văn 4999/UBND ngày 27-11-2019; Công văn 952/UBND ngày 26-3-2020; Công văn 2220/UBND ngày 12-6-2020… khiến người dân chóng mặt. |