Cụ thể, tại 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Hà Nội) với tổng chiều dài khoảng 1.300km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng, sẽ có khoảng 500km giao cho các địa phương triển khai.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400km. Đồng thời, Bộ GTVT đang thu xếp nguồn vốn để sau 2025 triển khai khoảng 900km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km.
Đây là nhiệm vụ khó khăn, trong điều kiện một số địa phương lần đầu được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc. Các dự án đường bộ cao tốc với quy mô phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, phải hoàn thành nhiều trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, thời gian yêu cầu gấp. Trong khi, năng lực của đội ngũ cán bộ thẩm định, ban quản lý dự án còn chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cập nhật được thêm các thông tin hữu ích trong quá trình tổ chức triển khai các dự án cao tốc, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.