Bài dự thi ký văn học chân dung “Người đương thời”

Giành lại từng con người khỏi “cái chết trắng”

Giành lại từng con người khỏi “cái chết trắng”

Theo chân thượng tá Đinh Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Công ty Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (CTĐD-CNMTTĐ), chúng tôi tìm gặp bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – giám đốc công ty. Nhìn dáng người nhanh nhẹ, gương mặt phúc hậu, nước da trắng, mái tóc bạc phơ phủ đến vành tai, bác sĩ Khánh Duy trông có vẻ là một nghệ sĩ hơn là bác sĩ. Sau cái bắt tay thân thiện và nụ cười đôn hậu trên môi, khi biết tôi muốn viết về ông, bác sĩ Khánh Duy mỉm cười rồi nói với tôi:

- Anh thông cảm, quá khứ tôi là một người bình thường, còn hiện tại tôi là bác sĩ CCB đã nghỉ hưu.

Giành lại từng con người khỏi “cái chết trắng” ảnh 1
Bác sĩ Khánh Duy (bìa trái), tại buổi gặp mặt điển hình Vì tương lai tuổi trẻ học đường.

Qua tâm tình với thượng tá Đinh Ngọc Sơn và bác sĩ Khánh Duy, tôi đã thấu hiểu phần nào về bác sĩ. Ông bà thân sinh ra bác sĩ Khánh Duy là một gia đình nho giáo tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1940, ông bà dắt nhau vào Phan Thiết sinh sống. Năm 1947, sinh ra Nguyễn Hữu Khánh Duy.

Năm 1967, Khánh Duy thi đậu Đại học Y khoa Sài Gòn và cũng từ giảng đường đại học này, Khánh Duy hòa mình cùng đồng bào và các bạn thanh niên - sinh viên học sinh xuống đường đấu tranh “phản đối quân sự hóa học đường; người Mỹ không được can thiệp vào nội bộ người Việt Nam; Mỹ cút về nước; chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam…”.

Khi cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân – 1968 nổ ra, cũng là lúc sinh viên Đại học Y khoa Nguyễn Hữu Khánh Duy được Tổng hội sinh viên Sài Gòn giao nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của các đồng chí: Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Đăng Liêm, Dương Văn Đầy…: trong thời gian đi thực tập tại các bệnh viện phải tìm mọi cách giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng bị thương và bị địch bắt trong đợt 1, đợt 2…

Qua quá trình thử thách bằng công tác thực tế, Khánh Duy đã để lại ấn tượng với Ban an ninh Sài Gòn - Gia Định, anh về công tác tại Ban an ninh vũ trang T4. Từ đây anh có bí danh là Năm Quang.

Năm 1973, Khánh Duy tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn. Lúc bấy giờ, Hiệp định Paris đã được ký kết, nhưng ngụy quyền Sài Gòn tráo trở, lật lọng, liên tục tiến hành các cuộc càn quét “lấn đất giành dân” và “đôn quân bắt lính”. Chúng bắt buộc các bác sĩ phải vào lính. Năm Quang xin ý kiến cấp trên và được đồng chí Mười Hương chỉ đạo: “Phải đi lính để giữ thế hợp pháp. Đây là điều kiện tốt nhất trong hoạt động đô thị phục vụ yêu cầu đánh địch của an ninh T4”.

Nguyễn Hữu Khánh Duy đã trở thành đại úy - bác sĩ trưởng quân y Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến ngụy, nhưng vẫn được sự chỉ đạo điều hành mạng lưới tình báo ở Sài Gòn và thu thập thông tin từ quân đội ngụy. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đầu tháng 5-1975, Ban an ninh T4 liên lạc gọi ông về Sài Gòn. Đầu tháng 6-1975, bạn bè, người thân, mọi người quen biết với Khánh Duy đều ngạc nhiên khi thấy ông có giấy triệu tập đi… “học tập cải tạo”... Sau 6 tháng “học tập cải tạo”, Khánh Duy được “ra trại” về nhận công tác tại T20 – Phòng Chấp pháp Trại giam Sở Công an TPHCM với quân hàm… thiếu úy.

Năm 1981, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Trưởng bệnh xá trại giam Chí Hòa. Tại đây, ông có điều kiện tiếp xúc với các phạm nhân và nhận ra rằng: ma túy là đại dịch nguy hiểm, là hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, là quốc nạn hết sức nguy hiểm của nhân dân ta. Năm 1983, được cấp trên điều động về Phòng Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng – Công an TPHCM. Lúc này, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ ở nhiều nước trên thế giới đề nghị cấp học bổng cho các bác sĩ ở TPHCM đi đào tạo chuyên sâu.

Thời điểm ấy, kinh tế còn nhiều khó khăn, có người vượt biên, có người được xuất cảnh ở luôn ở nước ngoài không trở về. Song bác sĩ Khánh Duy vẫn không ngần ngại, ông đề xuất với Ban giám đốc Công an TPHCM tạo điều kiện cho các bác sĩ như Trần Đông A, Trần Thành Trai, Võ Văn Thành, Nguyễn Chấn Hùng… đi tu nghiệp ở nước ngoài. Trong chuyến đi đầu tiên ấy, không có ai ở lại nước ngoài. Bây giờ, nhiều người trong số họ đã trở thành chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện tại thành phố.

Năm 2000, thiếu tá an ninh nhân dân Nguyễn Hữu Khánh Duy nghỉ hưu, là hội viên Hội CCB. Ông luôn trằn trọc: Những người lính Cụ Hồ năm xưa đã chiến đấu giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nay trên mặt trận phòng chống ma túy, CCB phải làm gì để giành lại từng con người trước “cái chết trắng”? Ông đem “nỗi lòng” của mình trao đổi cùng nhiều bạn bè tâm huyết như: Tiến sĩ - bác sĩ Trương Mộc Lợi, thượng tá Đinh Ngọc Sơn, thượng tá Đặng Văn Điểu…

 “Đồng bệnh tương liên – đồng cưu tương cứu” (cùng bệnh cùng thương nhau – cùng một mối lo cùng giúp nhau), thế rồi họ bàn bạc, vận động, ông đã thế chấp cả nhà cửa của mình để góp vốn rồi xin phép thành lập công ty, được UBND TPHCM cho phép, CTĐD-CNMTTĐ ra đời.

Theo bác sĩ Khánh Duy: Con người khi nghiện ma túy không còn có suy nghĩ, sống vô tổ chức, vô kỷ luật, rối loạn tâm sinh lý, mất niềm tin vào chính mình, gia đình và xã hội. Nghiện ma túy là một bệnh mãn tính khó chữa, có đặc tính là dễ tái nghiện. Người nghiện ma túy càng lâu, liều lượng càng tăng thì hậu quả càng nhiều và càng nặng nề, họ không cần hoặc không có khả năng hiểu biết những hậu quả do hành vi của mình gây nên.

Để điều trị phục hồi có kết quả phải duy trì thời gian điều trị đủ dài (lý tưởng là 2 năm) và cần sự quyết tâm cai nghiện của học viên. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi nơi cai nghiện về người nghiện dễ tái nghiện; còn thuốc là yếu tố quan trọng để cắt cơn, giải độc và điều trị các bệnh cơ hội phát triển…

Tuy nhiên, chưa có loại thuốc đơn thuần nào chữa được bệnh nghiện ma túy. Công ty đang áp dụng mô hình điều trị: cộng đồng trị liệu (Therapeutic Community) - sử dụng cộng đồng để điều trị – thực hiện theo mô hình Daytop (Mỹ) có sửa đổi để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Dựa trên nguyên tắc của môi trường trị liệu, với các phương pháp điều trị không dùng thuốc như giáo dục, sinh hoạt, hoạt động, giải trí trị liệu, tâm lý, công tác huấn nghiệp - lao động kết hợp với dạy nghề, lao động sản xuất… để họ quên đi nỗi thèm nhớ ma túy, nhằm đạt tới mục đích giáo dục - điều chỉnh – gọt dũa – phục hồi nhận thức – hành vi – nhân cách nhằm nâng cao bản lĩnh và kỹ năng sống cho học viên.

Đối tượng cai nghiện tại công ty là tự nguyện, chủ yếu là thanh niên, sinh viên, học sinh ở nhiều vùng quê khác nhau, có cả Việt kiều ở nước ngoài. Do trình độ học vấn, tâm tư tình cảm, nếp sống, sinh hoạt khác nhau nên công tác quản lý, giáo dục để họ tự nguyện cai nghiện, giúp họ định hướng cho cuộc đời mình cũng rất phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ – công nhân viên không chỉ có tâm huyết mà còn phải có tiền.

Thời gian đầu, công ty đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị nhằm lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề cho các em. Phương châm điều trị cai nghiện của công ty là: “Sạch đẹp như bệnh viện – Chuẩn mực như trường học – Sôi nổi như đoàn thể – Thân ái như gia đình – Bình yên như nơi nghỉ dưỡng – Năng động như xí nghiệp – Chặt chẽ như công an – Kỷ luật như quân đội”.

Số lượng cán bộ – công nhân viên ban đầu chỉ có 30 người thì nay đã được tăng lên trên 150 người trong đó, trình độ trên đại học 3 người, đại học 22 người, trung học chuyên nghiệp 30 người, trung học phổ thông 57 người, trung học cơ sở 36 người… Tuy là công ty trách nhiệm hữu hạn, song CTĐD-CNMTTĐ có một chi bộ Đảng lãnh đạo, đã xây dựng được các đoàn thể chính trị- xã hội như Hội CCB, Đoàn TNCSHCM, Công đoàn, Hội LHPN, Hội Chữ thập đỏ, Hội LHTN Việt Nam, CLB Cựu quân nhân.

Qua gần 9 năm hoạt động, CTĐD-CNMTTĐ đã điều trị có hiệu quả cho hơn 6.000 học viên, đưa họ về đoàn tụ gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong đợt đi kiểm tra công tác thực hiện thí điểm về quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại TPHCM đã nói: “Tôi rơi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bởi nếu tính toán thì các đồng chí CCB của công ty có thể đầu tư vào xây dựng bệnh viện tư nhân chẳng hạn, sẽ được lợi và đỡ vất vả hơn nhiều. Nhưng các đồng chí đã chấp nhận lao vào cuộc đấu tranh gian khổ này để đem lại cái lãi lớn nhất đó là hồi sinh cho những giá trị con người, một cái lãi vô giá. Đây là mô hình mới có nhiều mặt tốt, thành công và cần nhân rộng mô hình này! Tôi rất cảm động và cám ơn mô hình mới này”.

Với hiệu quả đã đạt được, đặc biệt là chương trình “Vì tương lai tuổi trẻ học đường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và Báo Nhân Dân tổ chức nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong trường học giai đoạn 1998 – 2008, vừa qua cá nhân bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Ngoài ra, từ năm 2001 – 2007, ông được UBND TPHCM Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tặng bằng khen; Trung ương Hội CCB Việt Nam tăïng danh hiệu: Doanh nhân CCB thành đạt; Hội CCB TPHCM tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

HOÀNG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục