Thời gian qua, sự ra đời Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc được công chúng bàn luận rất sôi nổi và quan tâm rất nhiều, người băn khoăn, người đồng ý, chưa đồng ý... Tất cả những ý kiến đó cho thấy rằng dù có những quan điểm khác nhau thì khi nhìn vấn đề này tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta.
Chúng ta đang đứng ở một góc nhìn về nhận thức giới hay chưa, và tìm hiểu tại sao có vẻ xã hội chưa ủng hộ cao? Vậy đòi hỏi các nhà nghiên cứu ngành khoa học xã hội nhân văn cần tập trung nghiên cứu đề tài này để có lời giải đáp cho công chúng. Tôi cho rằng QRTD là một hiện tượng xã hội ở Việt Nam đã xảy ra từ rất lâu và rất cần sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội.
Giảng viên Doãn Thi Ngọc
Lý do người ta ngại lên án QRTD nơi làm việc?
Trên thực tế, QRTD xảy ra giữa nam với nam, giữa nữ với nữ và giữa nam với nữ. Theo như các nghiên cứu thì QRTD thường xảy ra nhiều ở nam QRTD nữ. Qua những gì tôi tìm tòi, nghiên cứu và quan sát thực tế thì những người phụ nữ trong công sở ít nhiều đều bị QRTD ở dạng này hay dạng khác, nhưng rất khó khăn cho họ khi nói ra và thậm chí không thể nói ra vì rất nhiều lý do sau đây:
- QRTD chưa được thừa nhận vì người ta chưa hiểu, chưa được giáo dục từ bé để biết như thế nào là QRTD.
- Sốc vì mình bị QRTD và nỗi sợ nói ra sẽ không ai tin mình.
- Cảm giác vô vọng, xấu hổ sau khi bị QRTD nên không thể nói dù mình là nạn nhân, thậm chí có nạn nhân bị rơi vào hiện tượng “đóng băng”, nghĩa là không thể thốt ra bằng lời dù ý thức rất rõ mình đang hoặc đã bị QRTD.
- Do văn hóa “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” nên việc bị trêu ghẹo được coi là bình thường và điều này dẫn đến nhận thức xã hội chưa cao và vẫn chưa coi đây là hiện tượng QRTD, thậm chí có những anh nam cho rằng “có đẹp mới chọc ghẹo một chút cho vui, chứ xấu ai thèm chọc ghẹo”.
- Sợ bị mất việc, mất mối quan hệ, ảnh hưởng tới gia đình.
- Người tiếp nhận chưa có kiến thức sâu và rộng, đặc biệt kiến thức về giới, nên thể hiện thái độ hoài nghi hoặc bênh vực kẻ QRTD nếu có trường hợp nào báo cáo.
- Người QRTD thường là nam, là đồng nghiệp, người lãnh đạo, mà những người này có thể có uy tín, địa vị cao, có học thức, có vẻ bề ngoài lịch sự, tử tế nên nạn nhân có tâm lý co rút lại và không dám trình báo.
- Nếu nạn nhân có báo cáo, nhưng không được xử lý nghiêm với lý do không nghiêm trọng, xử lý lâu, đòi bằng chứng hữu hình vì họ không tin phụ nữ, họ có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, và vì phân biệt đối xử về giới nên người bị QRTD thường không được bảo vệ… Theo lăng kính giới, về mặt sinh học, phụ nữ thường có thể lực yếu hơn nam giới và đảm nhận thiên chức tái sinh nòi giống là chủ yếu. Chính đặc trưng giới tính này theo thời gian đã ảnh hưởng đặc trưng về giới. Ví dụ: Tại sao có nhiều hành vi QRTD mà chúng ta coi là bình thường? Điều này do sự giáo dục và tư duy nhận thức chưa phù hợp của chúng ta. Về mặt lịch sử và xã hội, phụ nữ sống trong một xã hội gia trưởng và bất bình đẳng thì họ được coi là “hoa”, là “yếu đuối” và cần được che chở, bảo vệ trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ bị chiếm hữu và là sở hữu của nam giới, là đồ chơi tình dục và có thể mua bán, trao đổi, thay thế. Điều này vẫn đang diễn ra trong thế giới hiện đại, nổi tiếng đó là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Ngày nay, phụ nữ ý thức hơn về vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội và nhận thức bình đẳng giới đã và đang xuất hiện. Nếu nhìn QRTD thì cần phải nghiên cứu thêm nhiều và phải có tư duy mới phù hợp với sự vận động và biến đổi của xã hội hiện đại và toàn cầu hóa.
Ngăn ngừa quan trọng hơn chống
Ngăn ngừa QRTD quan trọng hơn chống QRTD, đặc biệt thông qua giáo dục nâng cao nhận thức. Theo tôi, Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc là khả thi và là bước tiến bộ trong nhận thức của xã hội. Bộ quy tắc ra đời hơi chậm, nhưng muộn còn hơn không. Chúng ta cần phải thực hiện nhanh ở mọi môi trường, chứ không chỉ có nơi làm việc, đặc biệt là phải giáo dục bé trai và bé gái từ khi bắt đầu đi học mẫu giáo và giáo dục ngay từ trong gia đình vì gia đình là nhà trường đầu tiên của mỗi cá nhân và ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hành vi, ứng xử của các cá nhân. Giáo dục và nâng cao nhận thức phải được duy trì và tăng cường ở mọi cấp học, mọi giai đoạn phát triển của con người và mọi môi trường như nhóm, đoàn thể, hàng xóm, cộng đồng, phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội, video game… và khi các em đi làm thì đã có nhận thức và ý thức về QRTD rồi.
Tôi cũng nói thêm Bộ quy tắc chỉ đưa ra những điểm chung nhất mà thôi, chứ không thể đảm bảo nêu rõ tất cả các hành vi QRTD. Chính những người bị QRTD sẽ bổ sung rõ đâu là lằn ranh, đâu là hành vi QRTD vào chính sách của chính nơi họ làm việc. Nhà nước cũng cần phải ban hành luật một cách rõ ràng và nghiêm khắc để ngăn ngừa những hành vi QRTD. Đặc biệt xác định rõ QRTD dưới mọi hình thức là vi phạm phát luật.*
Ngăn ngừa QRTD bằng cách nào? *Ở cấp độ vĩ mô - Xây dựng và phát triển chính sách, pháp luật một cách nhanh, rõ và nghiêm khắc. - Xây dựng môi trường làm việc hỗ trợ để phụ nữ cảm thấy an toàn. Nghĩa là môi trường này sẽ tăng cường giáo dục mọi người hiểu biết về QRTD. - Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải có mục cam kết “Không QRTD hoặc nếu có sẽ bị xử nghiêm theo pháp luật”. *Ở cấp độ các cơ quan, tổ chức - Phải có nơi tiếp nhận độc lập, bảo mật các trường hợp bị QRTD ngoài Công đoàn hoặc các tổ chức khác. Điều tra ngay khi có báo cáo QRTD. - Nâng cao nhận thức cho công nhân viên chức thường xuyên. - Trách nhiệm của thủ trưởng trong văn phòng, công/tư sở, nhà trường, nhà thương, nhà thờ/chùa… Người lãnh đạo phải nghiêm cấm QRTD, phải xử lý nghiêm những khiếu nại của người bị QRTD, và dĩ nhiên phải làm gương cho cả tổ chức của mình về tôn trọng phụ nữ mọi lúc, mọi nơi... ngay cả khi đi liên hoan hay du lịch. *Ở cấp độ vi mô là cá nhân, gia đình, bạn bè - Duy trì khoảng cách giao tiếp với những người QRTD. - Không ở trong phòng một mình với họ, nếu phải ở một mình thì phải mở cửa và ngồi gần lối ra. - Nói thẳng và rõ cho kẻ QRTD là bạn không thích hành động của họ và họ phải dừng ngay, ngoại trừ bạn sợ sẽ bị tấn công hoặc bị mất việc. Nếu bạn nói thẳng mà không hữu hiệu thì bạn viết email hay thư gửi cho người quấy rối yêu cầu họ dừng ngay hành động của mình. Ví dụ: “Anh ..., anh đã đứng quá gần tôi khi nói chuyện lúc trưa nay và anh đã đụng vào lưng tôi. Điều này làm tôi khó chịu. Đề nghị lần sau anh giữ khoảng cách và tuyệt đối không đụng vào người tôi khi nói chuyện”. Đồng thời, bạn có thể trình báo sự việc cho cấp trên, người đáng tin cậy. - Ghi lại hành vi QRTD, ví dụ: ai, ở đâu, khi nào, ngày nào, điều gì đã xảy ra… Mô tả từng lần bị QRTD và phản ứng của bạn. Phải ghi ngay, càng sớm càng tốt. Nhớ cất giữ cuốn sổ này ở nhà. - Giữ lại tất cả các bằng chứng QRTD như: hình ảnh, tin nhắn… - Trò chuyện, giao tiếp với những người khác, nếu có thể, bạn nói cho những đồng nghiệp biết về những lần bị QRTD. Bạn có thể tìm thấy đồng minh, hay những người đã chứng kiến hay những người khác đã từng bị QRTD mà không dám nói, hoặc với những người quan tâm đến QRTD và sẵn sàng giúp đỡ bạn. - Nói cho bạn bè, người thân… về những lần bị QRTD. Vì điều này không chỉ giúp bạn có được chỗ dựa tinh thần vững chắc, mà còn là bằng chứng về sau. Giảng viên Doãn Thi Ngọc |
VÕ THẮM ghi