Thuật toán thành “anh chị”
Vụ việc “giang hồ mạng” gần đây nhất, khiến nhiều người bức xúc là câu chuyện P.L. trong trang phục như vua chúa ngoại quốc, nhảy múa tại một trường học ở tỉnh Yên Bái vào cuối tháng 9. Điều đáng nói chính là sự xuất hiện kệch cỡm, nhảy nhót không giống ai của P.L. lại được hưởng ứng, bởi người này sở hữu hơn 1 triệu lượt theo dõi trên nền tảng TikTok - với những video “ân oán giang hồ”, nói đạo lý về “tình nghĩa anh em”…
Cụm từ “giang hồ mạng” không lạ gì trong thế giới ảo hiện nay, và sự trở lại của “đàn anh, đàn chị” ngày càng ồn ào hơn. Trước vụ việc P.L. vài tháng, mạng xã hội liên tục xuất hiện các video chửi nhau giữa tài khoản K.S. và T.B., video rầm rộ nhất có đến hơn 2 triệu lượt xem. Thế nhưng, cộng đồng mạng chưng hửng khi được biết màn chửi nhau này thực chất chỉ là trò diễn để câu view (lượt xem) bán hàng trực tuyến theo sắp xếp của “đàn anh” tên H.H.H. (sở hữu 3 kênh TikTok, với lượt theo dõi mỗi kênh lần lượt là 6 triệu; 2,5 triệu và 1,4 triệu lượt).
Video về “giang hồ mạng” trên nền tảng mạng xã hội |
Một mô típ chung, dễ thấy của các “đàn anh, đàn chị” trên mạng là thường xuất hiện trong những video ngắn, nói chuyện nghĩa khí giang hồ, cách “đòi lại công bằng cho anh em” mà không phải dùng đến luật pháp. Những video này thu hút từ vài trăm ngàn đến vài triệu lượt xem và “đàn anh, đàn chị” trong video luôn xuất hiện ở vị trí trung tâm, không xăm mình thì cũng đeo trang sức dày đặc. Và địa điểm check-in là biệt thự, siêu xe, hoặc những phòng karaoke với đủ trò giải khuây, đàn em kề cận xung quanh rót rượu, mồi thuốc, đấm lưng…
Câu chuyện “giang hồ mạng” đình đám nhất có lẽ là Khá Bảnh (tên thật Ngô Bá Khá), cái tên trở thành nội dung tìm kiếm và thu hút lượt xem, theo dõi hàng đầu trên mạng xã hội vào năm 2018. Hàng loạt tài khoản người dùng mạng xã hội trở thành “đàn em” và xem Khá Bảnh như một thần tượng. Năm 2019, người này bị bắt về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc với tổng mức án hơn 10 năm tù.
Sau vụ việc Khá Bảnh, những tưởng câu chuyện “giang hồ mạng” trở thành chủ đề “lạc hậu” trong muôn vàn xu thế thịnh hành khác của mạng xã hội, nhưng thực tế hết tài khoản này đến tài khoản khác thi nhau thể hiện. Cùng với sự góp mặt của nền tảng chia sẻ video TikTok (xuất hiện tại Việt Nam tháng 4-2019), nhiều “anh chị” nhanh chóng có hàng ngàn “đàn em” chỉ sau vài video chửi thề hoặc dàn cảnh “thanh toán ân oán” để thể hiện nghĩa khí dân chơi…
Thuật toán cơ bản của TikTok là đưa những video đang thu hút nhiều lượt xem lên “top thịnh hành” và phân bổ ngẫu nhiên đến người dùng. Các “anh chị” cứ thế nghiễm nhiên trở thành thần tượng, khi lượng người dùng xem và theo dõi ngày càng đông.
Chửi có kịch bản
Lướt qua các nền tảng mạng xã hội, “giang hồ mạng” không chỉ dừng lại ở những tài khoản xăm trổ, thể hiện mình là “đàn anh, đàn chị”. Tinh thần “nghĩa hiệp” này, cũng được nhiều nhóm sản xuất phim ngắn ăn theo, xây dựng thành chuỗi các video như: “A.A.Đ” (hơn 2,1 triệu lượt theo dõi), “C.9.N” (827.000 lượt theo dõi), “T.H.” (gần 900.000 lượt theo dõi)…
Các kênh này đều có đầu tư trong việc quay video, xây dựng kịch bản với 1 nhân vật trung tâm, chuyên xuất hiện giúp người khác hoặc vạch trần những điều giả dối với tinh thần “giải cứu thế giới”. Nhưng đáng lo, nội dung của các video “nghĩa hiệp” này tràn ngập thoại chửi thề, nhân vật xăm trổ đầy mình và sẵn sàng dùng bạo lực xử lý “kẻ xấu” mà không cần đến pháp luật. Những video như vậy thu hút hàng chục ngàn lượt xem, like và thậm chí nhiều nhãn hàng cũng tranh thủ cơ hội… hợp tác và quảng cáo sản phẩm trong các video này.
Vài lần nghe đứa con gái học lớp 5 nói “giải cứu thế giới”, anh Nguyễn Hùng Tùng (40 tuổi, kỹ sư xây dựng, ngụ quận 7, TPHCM) tìm hiểu và thấy lo. Anh Tùng kể: “Mỗi lần hỏi con thích gì, thì con nói “giải cứu thế giới”, ba mẹ không hiểu thì nó nói ba mẹ lên mạng coi đi.
Tôi cũng theo dõi thử vài video thì giật mình khi diễn viên mặt mũi xinh xắn, quần áo hàng hiệu nhưng nói chuyện chửi thề, hành động giang hồ, vậy mà tụi nhỏ coi như thần tượng. Hễ nói câu gì, tụi nhỏ bắt chước y chang, coi riết thành lậm rồi hành động y như vậy lúc nào không hay. Thiệt tình bây giờ không thể yên tâm để con cái một mình trên mạng xã hội, muốn coi gì thì coi nữa”.
Rất nhiều người đặt câu hỏi, người ta dày công xây dựng chuỗi phim ngắn kiểu giang hồ như vậy để làm gì? Chính là nguồn thu nhập “khủng” từ hoa hồng quảng cáo, P.T.N.N. (29 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) phân tích: Nền tảng mạng xã hội nào cũng vậy, cứ nhiều lượt theo dõi, lượt xem và lượt thích thì nổi tiếng thôi.
Và trong hàng triệu nội dung trên các nền tảng này, muốn nhiều người xem thì phải thật độc lạ, kiểu giang hồ…, thì mới thu hút người ta tò mò xem. Khi ở mốc vài chục ngàn lượt theo dõi, các nhãn hàng tự tìm đến và đặt vấn đề hoa hồng quảng cáo thôi; đến triệu lượt theo dõi, thì giá cho một video lồng sản phẩm quảng cáo tính đến con số trăm triệu đồng.
Thuật toán chia sẻ nhanh trên các nền tảng trực tuyến, cùng với tính tò mò từ người dùng mạng xã hội dẫn đến một thực tế là cứ video nhiều lượt xem, theo dõi, bình luận thì dù không hay, phản cảm, thô tục, cộng đồng mạng, nhất là người trẻ, vẫn yêu thích. Kết quả là những phim ngắn theo kiểu “giang hồ mạng” cứ thế mà lên vị trí thu hút hàng đầu, mang lại lợi ích cho “đàn anh, đàn chị” tính từ lượt xem, lượt like. Trong khi đó, những nhận thức lệch lạc khi người dùng, nhất là trẻ em, do tiếp cận nội dung này quá nhiều sẽ như một cơn mưa dầm, khó nhận diện và hệ quả khó lường.
* TS TRỊNH ĐĂNG KHOA
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM:
Có biện pháp giáo dục để nhận biết đúng những giá trị văn hóa
Mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều vấn đề nhức nhối chứ không chỉ riêng “giang hồ mạng”. Tuy nhiên, “giang hồ mạng” là một sự lệch chuẩn và nó có thể nghiêm trọng hơn nhiều vấn đề khác trên mạng hiện nay, bởi nó có tính bạo lực, thậm chí người dùng nếu bị ảnh hưởng quá nhiều từ các nội dung này có thể dẫn đến các hành vi gây nguy hiểm tính mạng.
Mạng xã hội cũng là một dạng hình thái xã hội, nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có những chuẩn mực rõ ràng, vì thế nó còn nhiều vấn đề tồn tại. Việc định danh tài khoản mạng xã hội, áp dụng luật pháp là những biện pháp cần thiết để đẩy lùi nội dung độc hại. Người dùng mạng xã hội cũng cần lên tiếng trước cái sai, cái xấu, báo cáo những nội dung độc hại, để nó không lặp lại và phân bổ đến nhiều người dùng khác.
Bên cạnh đó, trước khi bàn đến việc áp dụng quy định pháp luật thì giải pháp giáo dục ngay từ nhỏ là hết sức cần thiết. Chúng ta cần có biện pháp giáo dục để trẻ em phân biệt và nhận biết đúng đắn những giá trị văn hóa, chuẩn mực xã hội, vì có những cái sai dễ dàng nhìn thấy và xử phạt theo quy định pháp luật.
Nhưng thiếu thốn, hay hiểu biết lệch lạc về mặt nhận thức và tinh thần rất khó nhận diện và đôi khi người sai cũng không nhận biết mình sai. Chính những điều này rất khó để “chữa lành.
* Ông NGÔ TRẦN VŨ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn:
Cần quy định chặt chẽ về hình phạt nội dung nhạy cảm
Các blogger qua nền tảng Facebook, YouTube, TikTok đang “làm mưa làm gió” bằng những kiểu nội dung mà trước đó không ai dám làm. Hiện nay, các kênh có đông người theo dõi đã mang lại thu nhập rất lớn và ổn định cho các blogger “giang hồ” này.
Để đẩy lùi những nội dung “giang hồ mạng” độc hại này, việc định danh thông qua hợp tác giữa Việt Nam và các mạng xã hội là rất cần thiết, giúp việc xác nhận danh tính nhanh và chính xác. Vấn đề là quy định chặt chẽ về hình phạt cho các nội dung nhạy cảm. Có rất nhiều blogger đã hoạt động quá lâu trước khi bị cấm, tác hại với xã hội có thể đã rất nhiều.
Trước mắt, để tự bảo vệ mình và gia đình, nhất là trẻ em, khi thấy các clip “giang hồ mạng” hoặc không phù hợp thì các bậc phụ huynh có thể báo cáo với nền tảng đó để không gặp nội dung tương tự, càng nhiều người phản đối thì các kênh này sẽ phải thay đổi hoặc bị khóa.
Bên cạnh đó, mỗi khi thấy con xem phải các video không phù hợp, phụ huynh có thể chỉ cho con thấy chỗ sai, cái không đúng… đó cũng là một cách giáo dục theo kiểu mưa dầm, dần dần trẻ sẽ tự tránh né các clip như thế.