“Giang gia” anh hùng

Ngày đám giỗ tập thể
“Giang gia” anh hùng

Tôi đến thăm gia đình Thượng úy QĐNDVN Giang Đông tại số 305 Trần Bình Trọng (Q5, TPHCM) vào đúng dịp cả nước chuẩn bị bước vào tháng 7 thiêng liêng với ngày tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ 27-7. Bước vào nhà, tôi nghẹn ngào xúc động trước anh linh của 13 liệt sĩ và 4 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), tất cả đều là đồng bào Hoa vùng Quảng Đông.

Ngày đám giỗ tập thể

“Giang gia” anh hùng ảnh 1

Thượng úy Giang Đông. Ảnh: KỲ LÂN

Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, Công hội Đỏ tại Xưởng đóng tàu Ba Son cử Giang Quảng, một công nhân người Hoa, với bí danh “ông Hai đầu bạc” sang Nam Vang (thủ đô Phnôm Pênh-Campuchia) hoạt động bí mật. Sau thập niên 60, Giang Quảng xây dựng tờ báo Miên Hoa làm diễn đàn (cho người Việt, người Khmer gốc Hoa) chống Mỹ tại Đông Dương do ông làm chủ bút, vợ ông là Trương Mỹ Hoa và các con trai Giang Nguyễn, Giang Quyền, Giang Hùng làm… phóng viên (riêng người con út Giang Đông thoát ly sớm).

Người vợ thứ hai của ông Giang Quảng ở chung nhà, tên là Trần Thị Hạnh cũng sinh được 3 người con: Giang Cường, Giang Thị Mai, Giang Ngọc Lan. Cả đại gia đình đều làm báo và mang vỏ bọc “nhà báo Khmer gốc Hoa” để hoạt động cho cách mạng, đều một lòng một dạ cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam.

Trong số các con, cháu của ông Giang Quảng và hai người vợ, Giang Đông (con bà Hoa) sớm thoát ly gia nhập bộ đội giải phóng, hoạt động trong ngành đặc công tình báo (Đoàn 367, Bộ Tham mưu miền P.2; đóng trên đất Campuchia) nên đã thoát chết trong một vụ thảm sát của Pôn Pốt Iêng Sary.

Ông Giang Đông buồn bã kể: “Ngày 8-4-1975, tức trước khi Phnôm Pênh được giải phóng (17-4-1975) vài ngày, chúng ra tay tàn sát tất cả các trí thức, trong đó nhà báo là “ưu tiên 1”. Sau này, nhà nước ta đã cấp bằng Tổ quốc ghi công cho người thân của tôi trong cùng một ngày nhưng hài cốt lẫn lộn cùng với hàng trăm liệt sĩ và thường dân vô tội khác, không thể quy tập được nữa”. Kể xong, Thượng úy Giang Đông dùng cái chổi lông lau bụi trên các tấm bằng Tổ quốc ghi công xếp thành dãy dọc trên tường, trong số đó, có 9 liệt sĩ hy sinh cùng một ngày, trước hòa bình, gồm: 1/Trương Mỹ Hoa (mẹ ruột), 2/Giang Hùng (anh ruột), 3/Giang Quyền (anh ruột), 4/Chu Thị Mỹ (chị dâu, vợ ông Giang Nguyễn, anh cả của Giang Đông), 5/ Giang Thị Phương (cháu ruột-con Giang Nguyễn và Chu Thị Mỹ), 6/Giang Thị Nga (cháu ruột-con Giang Nguyễn và Chu Thị Mỹ), 7/Giang Thị Mai (chị em cùng cha khác mẹ), 8/Giang Thị Lan (chị em cùng cha khác mẹ), 9/Giang Quốc Minh (cháu ruột-con của anh trai Giang Hùng và chị dâu Vương Ngọc Hoa).

Những người mẹ phi thường

Theo lời Thượng úy Giang Đông kể: “Cha tôi hy sinh trên chiến trường năm 1970, ba người anh ruột cũng hy sinh (trong đó hai người hy sinh trong đợt thảm sát), thế nên mẹ ruột tôi (cũng là liệt sĩ trong đợt thảm sát) đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Còn người mẹ kế của tôi cũng có chồng (cha ruột tôi) hy sinh, các em gái cùng cha khác mẹ với tôi cũng hy sinh trong vụ thảm sát, riêng em trai Giang Cường (cùng cha khác mẹ) thì hy sinh trong dịp Mậu Thân… Mẹ kế của tôi cũng được truy tặng là Mẹ VNAH. Thời kỳ đó, phong trào cách mạng đang sôi sục, thanh niên lớn lên nếu không ra chiến trường thì cũng tham gia các hoạt động cứu nước, bất kể đang ở miền Bắc, Sài Gòn hay tại Campuchia như gia đình tôi. Ngoài ra tôi còn một người cháu ruột nữa là Giang Quốc Thắng (con anh ruột) hy sinh đợt Mậu Thân. Tổng cộng gia đình tôi có 13 liệt sĩ và 4 Mẹ VNAH”.

Các liệt sĩ anh ruột của Giang Đông là Giang Nguyễn và Giang Hùng, trước khi hy sinh, đã lập gia đình và có thêm cho dòng họ Giang những người cháu. Và tất cả những người cháu này đều… hy sinh, đều trở thành liệt sĩ như cha, như ông nội của họ. Và mẹ của các “liệt sĩ cháu” này, tức hai người chị dâu của Thượng úy Đông, cũng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH do có chồng và tất cả các con hy sinh… Tôi nhìn lên bàn thờ đỏ lự, nghi ngút khói nhang (theo phong tục thờ phụng của đồng bào Hoa vùng Quảng Đông) tại nhà ông Giang Đông. Không dòng chữ nào có thể mô tả hết được sự hy sinh thầm lặng của họ cho đất nước Việt Nam hôm nay…!

Người tử tù còn sống

“Giang gia” anh hùng ảnh 2

Chỉ còn lại Giang Đông.
Ảnh: M.A.

Ông Giang Đông ngồi trầm tư nói về buổi lễ kết nạp Đảng của ông diễn ra trên đất Campuchia cách đây đúng 43 năm. Khi ấy, ông chỉ biết chiến đấu cho đất nước Việt Nam độc lập mà cha ông đã nói “đó là quê hương”, chứ chưa hình dung ra hình dáng quê hương mình như thế nào. Cả một đại gia đình may mắn còn lại mình ông! Thế mà trên mình ông còn có đến 9 vết thương, mà vết nặng nhất đã lấy mất phần “gáo dừa” bên dưới tóc, để lộ hõm thịt sâu hoắm, mềm nhũn.

Ông Giang Đông từng là tử tù chờ xử tử hình ở Campuchia! Năm 1972, sau khi lần lượt bắt được các tình báo đặc công Trần Bình Lộc, Lâm Sơn Hải, Huỳnh Tấn Kiệt, Nguyễn Văn Hồng, Giang Đông, Tòa án quân sự Sài Gòn tuyên án tử hình họ và trả về Campuchia giam giữ, chờ ngày đưa ra pháp trường (vì các ông lúc đó mang quốc tịch Campuchia). Cả 5 tử tù trên được tổ chức cách mạng bên ngoài chỉ thị là phải vượt ngục. Ông Giang Đông kể: “Chi bộ chúng tôi lúc này gồm 5 người do đồng chí Trần Bình Lộc làm bí thư. Vì toàn dân đặc công nên đêm đó, tôi vờ đau bụng dữ dội để dụ tên gác tù mở cửa vào. Chờ nó quay mặt đi, tôi dùng thế võ đặc công hốt chân và xô nó té đập đầu chết ngay. Sau đó, tôi lấy chìa khóa mở cửa tiếp cho một đồng đội và cùng đồng chí này tiêu diệt 2 tên gác tù nữa. Cuối cùng cả chi bộ gồm 5 tử tù vượt ngục thành công”.

Hiện nay, Thượng úy Giang Đông đang công tác ở Hội Đông y quận 5 và ông có 4 người con. Ông cũng được nhà nước cho mua căn nhà số 305 Trần Bình Trọng để làm nơi thờ tự các liệt sĩ. Chiến tranh đi qua đã lâu, mấy ai biết ở TPHCM hiện nay có một gia đình người Hoa đã thầm lặng cống hiến tất cả cho cách mạng, cho độc lập dân tộc…

Gia đình họ Giang xứng đáng là một gia đình anh hùng!

Dương Minh Anh

Tin cùng chuyên mục