Sáng 26-4, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp Bộ LĐTB-XH, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo "Cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đối với Việt Nam".
Phát biểu khai mạc, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM Trần Hoàng Hải cho rằng, nội dung chủ yếu của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống chủ yếu là thương mại. Trong khi FTA thế hệ mới không thuần túy thương mại mà còn các nội dung khác để đảm bảo thúc đẩy thương mại bền vững. Sự chuyển đổi sang FTA thế hệ mới là xu hướng tất yếu. Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó có hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA.
Cụ thể, TS Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB-XH nhìn nhận, việc đưa các yêu cầu về lao động vào trong các thỏa thuận thương mại, nhất là các FTA đang trở thành một xu thế trên thế giới trong hai thập kỷ trở lại đây.
Theo một báo cáo của ILO, nếu như năm 1985 trên thế giới mới có 3 FTA có cam kết về lao động thì đến năm 2016, trong số 267 FTA được ký tại 136 quốc gia, đã có 77 hiệp định có cam kết về lao động.
Các cam kết về lao động trong các FTA trên thế giới chủ yếu dẫn chiếu tới các công ước hoặc Tuyên bố của ILO, trong đó nhiều nhất là dẫn chiếu tới Tuyên bố năm 1998 của ILO về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, chiếm 64,9% các FTA. Đây cũng là Tuyên bố được dẫn chiếu và là cam kết cơ bản về lao động trong CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Cam kết lao động của Việt Nam trong CTPPP và EVFTA về cơ bản tương đối giống nhau. Tuy nhiên đây là hai FTA điển hình cho hai mô hình FTA khác nhau. CTPPP theo mô hình Hoa Kỳ, áp dụng trừng phạt thương mại nếu các bên vi phạm cam kết. Còn EVFTA theo mô hình của Liên minh châu Âu, không áp dụng trừng phạt thương mại mà sử dụng sức ép của xã hội dân sự và các cơ chế khác để bảo đảm việc thực thi.
Ths. Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở TPHCM đại diện nhóm tác giả phân tích cụ thể những thách thức trong thực thi các cam kết lao động trong FTA.
Đó là việc thành lập, quản lý tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hoặc việc phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc, cưỡng bức lao động dù đã đưa vào quy định nhưng thực tế rất khó thực thi.
Ths Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ tâm tư về vai trò và hoạt động của công đoàn khi thực thi các FTA, do công đoàn đang dàn trải quá nhiều chức năng, không thể tập trung xứng đáng cho bảo vệ người lao động. Do đó, tổ chức công đoàn Việt Nam cần điều chỉnh lại điều lệ theo hướng linh hoạt và thực chất hơn. Chú trọng chức năng bảo vệ và đại diện người lao động, tinh giản công tác hành chính. Ứng dụng công nghệ, phần mềm trong quản lý, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công đoàn...
Chia sẻ với tâm tư này, PGS-TS Trần Hoàng Hải cũng cho rằng tổ chức công đoàn cần nhìn nhận lại vai trò, cán bộ công đoàn cần tránh coi mình là "quan chức", làm sai lệch đi bản chất của tổ chức.
Một số cam kết cơ bản về lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO:
- Quyền tự do hiệp hội (tự do liên kết) và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể
- Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc
- Loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất
- Chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm, nghề nghiệp.