Nỗ lực từ trực tiếp đến trực tuyến
Cả nước đón khách quốc tế trở lại vào ngày 15-3, cùng những nỗ lực kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng của ngành du lịch. Hoạt động bảo tàng cũng bắt đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan từ lượt khách tham quan. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, một trong những đơn vị bảo tàng công lập trong cả nước có mức doanh thu ổn định, lượng khách quốc tế đến bảo tàng chiếm khoảng 70%.
Thống kê đến ngày 22-5, lượt khách quốc tế đến bảo tàng đạt 8.958 lượt trong tổng số 17.570 lượt; những ngày nghỉ lễ trong tháng 5, trung bình khoảng 2.000 lượt khách/ngày (trước dịch 3.000-4.000 lượt khách/ngày).
Thích nghi với nhịp sống sau đại dịch, nhiều bảo tàng tổ chức các triển lãm lưu động, để chủ động quảng bá thay vì chờ khách tìm đến, cũng như phát huy giá trị giáo dục của bảo tàng. Bảo tàng TPHCM tổ chức triển lãm “Thành phố Hồ Chí Minh - Những chặng đường lịch sử” và “Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” tại Trường THCS Minh Đức (quận 1) vào tháng 2-2022; tổ chức triển lãm “Thành phố Hồ Chí Minh - Những chặng đường lịch sử” hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1, tại Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (quận 7) vào tháng 4-2022.
Bảo tàng Lịch sử TPHCM với triển lãm “Biển đảo quê hương” tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp), Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức) vào tháng 4-2022. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh với triển lãm “Trẻ em thời chiến”, đang diễn ra tại Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Thủ Đức)…
Đại diện Bảo tàng TPHCM chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, bảo tàng thực hiện từ 30-40 cuộc triển lãm. Với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng khảo cứu địa phương cùng số lượng tài liệu hiện vật phong phú, bảo tàng trở thành nơi đào tạo thực hành cho sinh viên nhiều trường trên địa bàn TPHCM, như: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Mỹ thuật, Đại học RMIT”.
Không chỉ dừng ở tương tác trực tiếp với công chúng, Bảo tàng Lịch sử TPHCM tổ chức cuộc thi trực tuyến chủ đề “Bảo tàng Lịch sử - Khoảnh khắc cùng di sản”, diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4-2022, thu hút 28 tác giả cùng 56 tác phẩm dự thi. Đây chỉ là một con số nhỏ so với rất nhiều cuộc thi trực tuyến đang diễn ra trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện công chúng vẫn chưa thật sự quan tâm nhiều đến hoạt động bảo tàng như hiện nay, kết quả nói trên rất đáng ghi nhận.
Bài toán “đầu tiên”
Chuyển đổi số trở thành từ khóa trong nhiều lĩnh vực và bảo tàng cũng không nằm ngoài câu chuyện đó. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào trưng bày, số hóa dữ liệu, hay “bảo tàng ảo” còn không ít thử thách, mà bài toán đầu tiên chính là tiền đâu.
Bảo tàng Lịch sử TPHCM có thể xem là bảo tàng đầu tiên tại TPHCM thử nghiệm mô hình “bảo tàng ảo”, với dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, chia sẻ: “Giải pháp Bảo tàng Lịch sử TPHCM đang thử nghiệm ra đời trong thời gian đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch, các bảo tàng đã buộc phải suy nghĩ lại về cách họ tương tác với công chúng khi đối mặt với tình trạng đóng cửa, giãn cách xã hội và hạn chế số lượng khách tham quan. Và dự án nhận được sự tài trợ từ một công ty công nghệ”.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh mở rộng thêm khu vực trưng bày ngoài trời với container tái hiện nhà tù Phú Quốc, hay Chuồng cọp - Côn Đảo cùng màn hình cảm ứng, mã QR tra cứu thông tin, hình ảnh, video… về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Bảo tàng TPHCM cho biết, đang trong quá trình thực hiện số hóa không gian, các phòng trưng bày và tài liệu hiện vật. Xây dựng kho dữ liệu trung tâm nhằm tối ưu hóa việc quản lý, cập nhật thông tin và một ứng dụng riêng, nhằm tích hợp các dữ liệu trên mọi nền tảng có sự hỗ trợ của thiết bị thông minh, đa ngôn ngữ… Tiến tới thiết lập cơ sở dữ liệu chung cho việc kiểm soát và đánh giá khách tham quan như: vé điện tử, hệ thống phản hồi trực tuyến.
Đưa công nghệ vào trưng bày như mã QR, máy quét Hologram (thể hiện hình ảnh 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo - VR)… đã có ở các bảo tàng ở TPHCM, tuy nhiên để gọi là thực sự số hóa thì vẫn chưa. Bởi ứng dụng công nghệ một cách toàn diện, không phải bảo tàng nào cũng có nguồn kinh phí để thực hiện, nhất là lượng khách tham quan vẫn chưa bù đắp kịp cho khoảng thời gian gián đoạn vì dịch.
Thiếu tiền, hụt khách là nỗi lo chung của hoạt động bảo tàng tại TPHCM hiện nay. Về lâu dài, chuyển đổi số phải là mục tiêu then chốt trong việc đổi mới hoạt động bảo tàng. Nhưng tiền lấy ở đâu ra thì vẫn chưa rõ!
Hầu hết bảo tàng công lập và tư nhân ở TPHCM đều có website, tuy nhiên hoạt động chưa mấy thu hút khi giao diện vẫn khá chán và cũ. Một số bảo tàng còn rất nhiều khoảng trống ở giao diện chính vì không có nội dung trình bày và tin tức cập nhật đã rất lâu. Một số bảo tàng miễn phí vé tham quan thì gần như không có fanpage. |