Cát, dầu làm “nóng” sông Sài Gòn
Quan sát dòng tàu thuyền ngược xuôi trên sông Sài Gòn, Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TPHCM, cho biết, từ khi dịch Covid-19 được khống chế, kinh tế TPHCM và các tỉnh khởi sắc. Số lượng phương tiện thủy, ghe tàu lưu thông trên sông Sài Gòn ngày càng nhộn nhịp. Mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện thủy lớn nhỏ, sà lan lưu thông, trong đó có đến 100 tàu lớn ra vào các cảng nhận, bốc dỡ hàng hóa. Lợi dụng dòng phương tiện thủy đông đúc, các đối tượng xấu tuồn hàng gian, hàng giả, hàng trái phép ra vào thành phố. Loại hàng hóa “nóng” nhất hiện nay là cát xây dựng trái phép và dầu DO.
Nhằm ngăn chặn hàng gian, hàng trái phép, BĐBP TPHCM đã lên kế hoạch xây dựng chương trình phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, khai thác vận chuyển khoáng sản (cát) trên địa bàn quản lý. Trọng tâm của “chiến dịch” là xóa các điểm “nóng” về khai thác cát trái phép trên địa bàn, ngăn ngặn vận chuyển cát xây dựng, xăng dầu trái phép. Nhiều biện pháp nghiệp vụ được Chỉ huy BĐBP TPHCM triển khai, quán triệt đến các đồn, trạm kiểm soát khu vực cảng và từng cán bộ, chiến sĩ. Phương châm tác chiến là bí mật bất ngờ, cương quyết đấu tranh, ngăn chặn triệt để hàng gian, hàng giả. Những tháng gần đây, hàng loạt vụ gian lận thương mại được phát hiện, bắt giữ, hầu hết đều có quy mô lớn và số lượng lớn. Đằng sau mỗi vụ việc được phát hiện, bắt giữ là kết quả quá trình đánh án kỳ công, sau nhiều ngày mật phục của lực lượng biên phòng.
Thiếu tá Phan Văn Đồng, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP TPHCM, thông tin, trong 3 ngày (từ ngày 16-5 đến ngày 18-5), Hải đội 2 cùng Đồn Biên phòng Long Hòa (BĐBP TPHCM) phát hiện, bắt giữ 4 phương tiện chở cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ, với khối lượng trên 1.000m³. Ngày 5-9, đơn vị tiếp tục bắt giữ 2 phương tiện vận chuyển trái phép cát trên sông Đồng Nai.
Việc mật phục, vây bắt quả tang hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép và kéo phương tiện, tang vật vào bờ rất khó khăn. Những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác này cho biết, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có tổ chức, có người cảnh giới và hoạt động vào ban đêm. Những đối tượng vi phạm rất manh động, hung hãn. Khi phát hiện lực lượng chức năng, chúng rút vòi hút, xả cát xuống biển phi tang và bỏ trốn, kể cả việc nhảy xuống nước để thoát thân. Nhiều trường hợp, khi lực lượng biên phòng lên được phương tiện vi phạm, thì đối tượng vi phạm đánh chìm phương tiện xuống biển để trốn tránh trách nhiệm.
Sửa luật phù hợp thực tế
Những nỗ lực của BĐBP TPHCM không chỉ đo đếm bằng số vụ gian lận thương mại được phát hiện, mà còn qua việc các điểm “nóng” về khai thác cát trái phép tại khu vực sông Đồng Tranh (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ), Cồn Ngựa (vùng biển Cần Giờ giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sông Đồng Nai (tại TP Thủ Đức và khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai) bước đầu đã được ngăn chặn.
Theo Đại tá Trần Thanh Đức, bài học từ thực tiễn cho thấy, điều kiện tiên quyết để công tác phòng chống gian lận thương mại đạt kết quả là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Khi người chỉ huy xác định được trách nhiệm, cùng sự quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và phương án tác chiến đúng thì công tác phòng chống gian lận thương mại sẽ vượt qua mọi trở ngại, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, để công tác phòng chống gian lận thương mại trên hệ thống sông, cảng biển Sài Gòn được triệt để thì sự quyết tâm, nỗ lực của lực lượng chức năng là chưa đủ, mà còn cần bổ sung, sửa đổi một số quy định pháp luật. Bởi đã có nhiều vụ khai thác, vận chuyển cát xây dựng, dầu DO có quy mô lớn được phát hiện, bắt giữ nhưng chỉ xử lý hành chính, phạt tiền nên không đủ sức răn đe. Trong khi đó, giá xăng dầu trên thế giới hiện tăng cao, lại lên xuống thất thường. Đây là mặt hàng mà các đối tượng buôn lậu sẽ khai thác trong thời gian tới, nhưng rất khó ngăn chặn.
Chỉ huy BĐBP TPHCM kiến nghị, cần xem xét, cho phép thực hiện các giải pháp nhằm giúp công tác phòng chống gian lận thương mại hiệu quả hơn. Chẳng hạn, với mặt hàng cát, quy định của pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định hành vi khai thác cát trái phép là tội danh “Trộm cắp tài sản”. Bởi lẽ, hành vi khai thác cát trái phép gây ra hậu quả rất lớn, gây thiệt hại về tài nguyên quốc gia, thậm chí cả tính mạng con người. Thế nhưng, theo quy định hiện hành, việc chứng minh thiệt hại định lượng bằng tiền là vô cùng khó khăn, hơn nữa hậu quả từ hoạt động khai thác cát trái phép ít xảy ra tức thì. Cùng với đó là quy định các phương tiện khai thác, vận chuyển cát phải gắn thiết bị kỹ thuật định vị (GPS, AIS, GPRS...) để thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát và khi cần thiết sẽ trích xuất dữ liệu làm căn cứ xử lý đối với các trường hợp sai phạm.
Sự vào cuộc quyết liệt của BĐBP TPHCM trong công tác phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng gian, hàng giả mang lại kết quả đáng ghi nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2022, BĐBP TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan đấu tranh và xử lý 73 vụ, 90 phương tiện, với 142 đối tượng. Riêng BĐBP TPHCM chủ trì bắt giữ 65 vụ, 85 phương tiện và 128 đối tượng, thu giữ hàng ngàn mét khối cát. Trong đó, Hải đội 2 BĐBP (TPHCM) bắt giữ phương tiện BV 97979-TS chở 100m³ dầu DO trái phép tại vùng biển do đơn vị quản lý. Đây là vụ bắt giữ vận chuyển dầu DO trái phép có khối lượng lớn của BĐBP TPHCM. |