Đồng tiền mặn đắng
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, người chạy xe ôm chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, đứng một chỗ bật ứng dụng, thấy báo có khách đặt xe thì đến chở đi.
Do sự linh hoạt về giờ giấc, nên nghề chạy xe ôm công nghệ GrabBike và Go-Viet thích hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là sinh viên. Nhưng thực ra đây không phải là một nghề kiếm sống dễ dàng, để kiếm được mức thu nhập từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày như lời rao tuyển dụng, thì người chạy xe ôm phải di chuyển từ 100 đến 150km/ngày.
T.V.D. (sinh viên Đại học Văn Hiến, TPHCM) đã chạy GrabBike để kiếm thu nhập trang trải học phí và sinh hoạt hàng ngày gần 1 năm nay. Anh tâm sự: “Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ để sống qua ngày chứ không có dư. Tôi đi học xa nhà nên những lúc túng thiếu hay đau ốm không biết vay mượn ai. Hôm nào không có lịch học, tôi chạy xe ôm từ sáng sớm đến tối muộn, cũng chỉ kiếm được 200.000 đồng đến 300.000 đồng, chưa trừ chi phí tiền xăng, tiền điện thoại, hao mòn xe. Nhiều khi có khách đặt xe, mình tới đón thì khách khóa máy mà không chịu hủy chuyến để mình đón khách mới”.
Hiểm nguy rình rập
Nhắc đến chuyện nghề, nhiều người chạy xe ôm công nghệ ngán ngẩm kể về những nỗi gian nan: thường xuyên bị người chạy xe ôm kiểu cũ xung đột; mức chiết khấu khá cao; chạy xe suốt ngày ngoài đường khói bụi, mưa nắng thất thường nên sức khỏe suy sụp. Những người chạy GrabBike cũng có khi bị những người chạy xe ôm kiểu cũ xua đuổi, dọa dẫm, đánh đập.
Những vụ va chạm thậm chí là đổ máu liên tục diễn ra. Để tránh va chạm, những người chạy GrabBike ở TPHCM thường tránh đón khách ở những nơi tập trung đông người qua lại như khu vực bệnh viện, bến xe, ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất. Gần đây, với sự xuất hiện thêm hãng xe ôm công nghệ Go-Viet, cuộc cạnh tranh lại càng khốc liệt hơn.
Đáng lo nhất là thời gian gần đây xảy ra những vụ cướp xe, thậm chí giết hại người chạy xe ôm. Mới đây, ngày 24-10, Công an TPHCM đã bắt giữ Lê Minh Thuận (15 tuổi, ngụ phường 13, quận 6, TPHCM) về hành vi giết người, cướp tài sản. Thuận đã sát hại dã man sinh viên Lê Nhật Hào để cướp xe máy khi Hào đang hành nghề GrabBike kiếm sống.
Anh Nguyễn Việt Tiến (người chạy GrabBike, trú tại đường Song Hành, quận 12, TPHCM) lo lắng với công việc hiện tại, kể: “Có lần lúc nửa đêm tôi chở phải một con nghiện, tới nơi thì hắn ta không chịu trả tiền, mà còn dí kim tiêm dọa dẫm đòi tôi phải đưa hết tiền. Lúc đó, tôi hoảng sợ nên chỉ biết rút tiền ra đưa rồi nhanh chóng chạy đi. Cả một ngày vất vả coi như mất trắng. Mặc dù khá mệt, nhưng sau cuốc xe ấy tôi lại phải cố chạy tiếp để kiếm được đồng nào hay đồng đó. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, giá xăng lại tăng cao, thu nhập của giới xe ôm sụt giảm dần, nhiều người bỏ nghề, nhưng tôi vẫn gắng bám trụ với nghề bởi vì nặng gánh gia đình”.