1. Nói tới những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi không thể không nhắc tới Lê Phương Liên, một người của phố cổ Hà Nội. Năm 2021, bà tròn 70 tuổi. Rất nhiều tập truyện của Lê Phương Liên đã trở thành món ăn tinh thần cho tuổi thơ các thế hệ: Những tia nắng đầu tiên, Khi mùa xuân đến, Hoa dại, Én nhỏ, Ngày em tới trường, Cuộc phiêu lưu của chú Rối Tễu… và gần đây là tuyển tập truyện ngắn và tản văn Câu hỏi trẻ thơ được các bạn nhỏ nồng nhiệt đón đọc. Đó là chưa kể bà còn là tác giả nhiều truyện tranh lịch sử, tiểu thuyết, tập truyện viết cho người lớn.
“Khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, việc làm sách theo cơ chế thị trường đã khiến tôi đối diện với thử thách về nhu cầu mưu sinh và lẽ sống văn chương. Để rồi, văn chương - “tinh hoa” của tuổi thơ đã đưa NXB Kim Đồng, trong đó có tôi, tồn tại vững vàng trên thị trường”, bà nói. Nhà văn Lê Phương Liên cho biết thêm: “Tôi gian nan trong việc sinh 3 con, nuôi dạy các con trở thành những người lương thiện. Đối với tôi, việc bền bỉ với tình yêu và sáng tạo chính là để vượt qua khó khăn của đời sống, trong đó có việc lo toan cơm áo cho gia đình. Trong đời, việc lựa chọn văn chương lên trên hết đã khiến tôi tìm ra con đường sáng sủa nhất, thành công nhất”.
2. Cùng sinh trưởng tại Hà Nội và nhỏ hơn nhà văn Lê Phương Liên 2 tuổi, nhà thơ Hoàng Việt Hằng xuất thân từ công nhân cơ khí, sau đó chuyển sang học Đại học Văn hóa rồi viết văn. Bà là cây bút xông xáo, đa năng, với sức đi sức viết đáng nể. Bà lao vào chữ nghĩa như người nông dân đắm đuối trên cánh đồng không thời vụ: “Bởi những ám ảnh nặng lòng, muốn xua đi, muốn quên đi, mà nó cứ quanh quất trong đầu, chữ nghĩa nhảy múa. Chỉ có thể viết ra mới thấy yên thì tôi ngồi viết. Tôi chỉ viết những gì mình nếm trải, những phận người mà tôi vừa gánh lên, rồi đặt xuống với những đối thoại bằng chữ”.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng là một người nhiệt thành và xởi lởi. Bà rất yêu quý và gần gũi các nhà văn đi trước. Theo bà, các bậc tiền bối làng văn, có những hiền tài âm thầm viết, âm thầm ra đi, không phiền đến ai, đáng nể trọng…
3. Nhỏ hơn 2 bậc đàn chị gần chục tuổi, nhưng tên tuổi Y Ban “dậy sóng” văn đàn gần 30 năm qua với những tác phẩm: Người đàn bà có ma lực, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Miếu hoang, Cưới chợ, Đàn bà xấu thì không có quà, I am đàn bà, Trò chơi hủy diệt cảm xúc… Thoạt nhìn thoạt gặp Y Ban có vẻ bặm trợn, khó tính, đa ngôn, nhưng khi đã thân rồi mới thấy, bà thẳng thắn, chân thành, thông minh, hóm hỉnh. “Giống như tất cả mọi nhà văn trên thế giới này, văn chương là một sự đam mê cháy bỏng. Khi một nhà văn đặt bút viết những câu chữ đầu tiên, đó chính là sự thỏa mãn niềm đam mê”, nhà văn Y Ban tâm sự.
Dù sinh trưởng ở Ninh Bình nhưng sự nghiệp văn chương của nhà văn Y Ban gắn liền với Hà Nội. Tháng 10-1989, Phạm Thị Xuân Ban rời bỏ Trường Đại học Y khoa Thái Bình lên nhập học khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội, thuộc diện biên chế nhà nước cử đi học nên có lương. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, bà không quay về cơ quan cũ. Con gái đầu lòng mới được 9 tháng, nên bà phải lao ra vỉa hè phố Trịnh Hoài Đức bán gà tần thuốc bắc để sinh nhai. Đến tháng 12-1994, bà mới về làm Báo Giáo dục và Thời đại cho đến khi về hưu năm 2016.
Bà cho rằng: “Tôi nghĩ trường hợp của tôi may mắn vì có công việc ổn định để nuôi mình và gia đình. Tuy nhiên, nếu ổn định quá cũng rất khó phát triển. Suy cho cùng, là tạng người viết, ai chọn con đường nào thì sẽ có thành công cũng như thất bại ngay trên con đường đó. Con đường của tôi cũng đầy chông gai. Nhưng tôi luôn có gia đình và bạn bè bên cạnh, và cả sự can đảm của chính mình nữa. Nhà văn rất cần cả lòng dũng cảm…”.