Gian nan mua nhà thành phố

Từ quê vào thành phố sinh sống và làm việc, bất kỳ đôi vợ chồng trẻ nào cũng ấp ủ sở hữu được căn nhà nơi phố thị. Nhưng dự định đó không dễ thực hiện với nhiều người.

10 năm ấp ủ dự định

Hai vợ chồng chị Thanh Hương (quê tỉnh Tây Ninh) đều làm việc ở TPHCM. Khi mới lấy nhau vào 10 năm trước, anh chị xác định dành dụm tiền để mua nhà. Lúc ấy, lương của hai vợ chồng trừ hết chi phí thì mỗi tháng dư được 10 triệu đồng. Theo đà đó, hai vợ chồng tính mất chừng 3 năm tích góp là có thể mua đất hoặc căn hộ chung cư trả góp.

CN4 mai am.jpg
Em nhỏ được ba mẹ tổ chức sinh nhật trong căn nhà mới với sự tham dự của bạn bè. Ảnh: THI HỒNG

Điểm hẹn “3 năm sau” của anh chị đến, nhưng giá nhà đất khi ấy đã tăng phi mã so với lúc dự định. Với số tiền 300 triệu đồng, rất khó để chọn lựa bất động sản phù hợp. Chị Hương đành tiếp tục chờ, thỉnh thoảng cập nhật tình hình giá nhà đất để tìm cơ hội. Cuộc sống vốn không bằng phẳng như mong muốn. Công việc của chồng chị Hương gặp khó khăn từ mùa dịch, kéo dài đến hiện tại vẫn chưa cải thiện. Tất cả chi phí giờ đây dựa trên thu nhập của chị, từ tiền học của hai con, ăn uống, đi lại, sinh hoạt phí… Có cố gắng tiết giảm chi tiêu thì tháng nào cũng chỉ đủ tháng đó, chẳng thể dư ra được. Khoảng cách giữa số tiền dành dụm của hai vợ chồng và giá nhà đất càng ngày càng xa.

Đến giờ, hai vợ chồng đã gần 40 tuổi, ở giai đoạn mà cơ thể đã có những báo động về tình hình sức khỏe. Bác sĩ khuyên không nên để bản thân áp lực thì mới sống vui, sống khỏe được. Nghĩ đến cảnh gồng mình mua nhà rồi còng lưng trả nợ ở tuổi này, chị Hương thấy không thể liều lĩnh với sức khỏe của bản thân như vậy. “Thôi thì quên đi giấc mơ mua nhà thành phố, tập hài lòng với hiện tại, dù sao cả nhà vẫn khỏe mạnh, bình an là mừng rồi. Sau này về quê sống cũng tốt mà. Quê nhà với vườn tược rộng thênh thang luôn dang tay chờ đón!”, ý nghĩ đó khiến chị thấy nhẹ nhàng hơn.

Đừng đợi có đủ tiền mới mua nhà

Vợ chồng anh Quốc Dũng (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) lại giải được bài toán mua nhà, nghe thật ngoạn mục: mua căn hộ chung cư 300 triệu đồng với số tiền mặt là 10 triệu đồng. Đó là mức giá căn hộ chung cư ở quận Gò Vấp của gần 20 năm trước. Anh kể, khi đó hai vợ chồng gom góp các kiểu cũng chỉ có đúng 10 triệu đồng tiền mặt. Chủ căn hộ là bạn bè nên tin tưởng giao cho họ giấy tờ nhà để vay ngân hàng. Khoản vay bằng 70% giá trị tài sản, số còn lại anh chị mượn gia đình và bạn bè hai bên mới đủ.

Có nhà, vợ chồng anh Dũng tích góp trả dần trong thời gian khá dài. Bây giờ thì họ đã có thêm căn hộ thứ 2 cho con trai lớn mới lập gia đình. “Nhìn lại, đúng là một sự liều lĩnh. Nhưng nếu không như vậy, biết khi nào mới mua được nhà”, anh Dũng chia sẻ.

Trường hợp của chị Khánh Thi (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng tương tự. Chị và chồng từ Bình Định vào TPHCM, cả hai đi làm công nhân giày da nên thuê phòng trọ cạnh công ty cho tiện đi lại. So với cuộc sống lam lũ ở quê nhà thì thành phố với họ như miền đất hứa. Anh chị quyết định đón con vào để bé được học tập ở thành phố cho thuận lợi phát triển.

Sau 1 năm đưa con vào, chị Khánh Thi bàn bạc với chồng mua nhà ở thành phố để thoát cuộc sống ở trọ. Với lại, đằng nào cũng xác định lập nghiệp ở nơi này, cố gắng mua nhà cho “an cư”. Khi ấy, nhà đất vẫn “sốt nóng bỏng tay”, nhưng có một nguồn ánh sáng khác: căn hộ chung cư ở Bình Dương giá còn “mềm”. Với diện tích 40-50m2, chỉ dưới 500 triệu đồng là mua được. “Nếu không mua được nơi này thì mua nơi vừa túi tiền trước đã”, vợ chồng chị cùng chung ý nghĩ vậy.

Cách làm của họ mang lại kết quả mỹ mãn: giá nhà đất những năm sau đó tăng chóng mặt. Và căn hộ chị Thi mua đã lời gấp đôi so với giá ban đầu. Cả hai quyết định bán căn nhà này đi, tìm mua căn hộ ở TP Thủ Đức (TPHCM) để tiện cho công việc của vợ chồng và học hành của con. Với số tiền kha khá đó, họ đã có nhiều sự chọn lựa cho căn hộ của mình. Thế là kế hoạch mua nhà thành phố đã tạm có thành tựu sau 6 năm. “Tính ra, ở trọ vừa khó ổn định cuộc sống, vừa tốn khá nhiều chi phí, nên nếu đã xác định mua nhà thì hãy cố hoạch định bài toán phù hợp cho mình để thực hiện càng sớm càng tốt”, chị Thi chia sẻ.

Ở thời điểm nào thì giá nhà đất vẫn là con số xa vời so với thu nhập bình quân của mỗi người. Nhất là đối với người làm công ăn lương. Vì vậy, để mua được nhà, cần một “cú phóng rướn người”, rồi xác định sẽ vất vả kiếm tiền trả nợ quãng thời gian sau đó. Cực nhưng xứng đáng. Suy cho cùng, có việc gì là dễ dàng đâu!

Tin cùng chuyên mục