Gian nan hành trình… mua bán vàng

Hiện giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng SJC, đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Dù giá vàng được bình ổn, nhưng thực tế lại đang xuất hiện nghịch lý: nhu cầu mua vàng của người dân cao nhưng vàng bán “nhỏ giọt”, dẫn đến khó mua bán.

Mua khó

Việc mua bán vàng miếng SJC trở nên hết sức khó khăn sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng cho 5 đơn vị (Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại - NHTM Nhà nước là Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) và yêu cầu không được bán cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá bán NHNN công bố. Đáng nói, trong số này chỉ có Công ty SJC được bán và thu mua lại vàng miếng, còn 4 NHTM chỉ bán ra.

“Tôi không mua vàng để lướt sóng, chỉ muốn chia tài sản ra nhiều rổ. Khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, tôi rút tiền ra để mua vàng, nhưng trong 4 tháng qua chỉ mới mua được 3 lượng vàng SJC, bởi vì bán vàng nhỏ giọt rất khó mua”, chị Ánh Ngọc (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết.

Chị Ngọc kể, vào đầu tháng 6 năm nay, khi việc bán vàng miếng SJC bình ổn được khoanh vùng tại 5 đơn vị bán vàng, chị đã đến Công ty SJC dự tính mua 20 lượng vàng SJC. Sau khi xếp hàng và chờ gần 3 tiếng đồng hồ thì mua được... 2 lượng với giá 69,8 triệu đồng/lượng. Nhân viên thông báo không đủ vàng để bán, hẹn chị hôm sau. Sau đó, khi vàng chuyển sang bán trực tuyến, chị mừng thầm vì không phải bỏ giờ làm để đi mua.

Q5A.jpg
Quầy giao dịch vàng miếng tại Công ty SJC (quận 3, TPHCM). Ảnh: Hoàng Hùng

“Tôi đã nhiều lần vào trang web và app (ứng dụng) của các ngân hàng và Công ty SJC đăng ký mua nhưng nhận được thông báo hết lượt bán vàng trong ngày, cho dù chỉ sau vài phút mở cửa. Thậm chí, tôi đã nhờ em trai làm việc ở công ty chứng khoán, chuyên đặt lệnh chứng khoán cho khách hàng “canh me” mỗi ngày, cài sẵn robot để đặt lệnh kiểu “không trượt phát nào” nhưng vẫn không giành được suất mua vàng”, chị Ngọc chia sẻ.

Chưa dừng lại đó, chị Ngọc cho biết thêm, sau khi đăng ký thành công, khách hàng sẽ nhận được một mã xác nhận thời gian và địa điểm giao dịch để đến nhận vàng nhưng không được trễ quá 30 phút. Tại đó, khách hàng phải bốc số, chờ đến lượt và khai các thông tin: nghề nghiệp, thu nhập trung bình trong 6 tháng gần nhất, nguồn tiền để mua vàng…, mới được nhận vàng. “Quy định mua vàng trực tuyến nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế quá nhiêu khê. Chính tôi có lần đến trễ mất 30 phút nên không nhận được vàng vì bị hủy giao dịch”, chị Ngọc bày tỏ.

Quả thực, quy trình mua vàng miếng rất kỳ công. Bản thân PV Báo SGGP cũng rất nhiều lần đặt mua vàng trực tuyến tại 4 ngân hàng nói trên lẫn Công ty SJC nhưng chưa lần nào thành công, dù đã điền sẵn các thông tin, chỉ chờ đến giờ mở cửa là “nhấn nút”.

Để mua vàng trên website hoặc app của 5 đơn vị bán vàng miếng SJC, khách hàng phải điền đầy đủ thông tin cá nhân (CCCD, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, nhu cầu mua vàng miếng, số lượng và chi nhánh giao dịch…), hẹn nhận vàng ở đâu, rồi trả tiền, nhận vàng đúng giờ.

Riêng mua vàng của 4 NHTM Nhà nước, khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng đó và phải có đủ số tiền tối thiểu mua 1 lượng vàng miếng SJC trong tài khoản tại thời điểm đăng ký mua, vì mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng miếng SJC/ngày.

Khảo sát tại TPHCM, việc mua bán vàng có thương hiệu rất khó khăn. Nhân viên cửa hàng vàng Doji trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) cho biết, không đủ vàng nhẫn để bán vì nhu cầu mua vàng cao.

Quản lý một cửa hàng của Công ty PNJ tại quận 3 cũng thông tin, hiện công ty chỉ tập trung làm vàng nữ trang vì không được nhập vàng nên không đủ nguyên liệu làm vàng nhẫn. Do đó, chỉ có thể bán vàng nhẫn ra khi có người bán lại. Cửa hàng cũng không nhận đặt mua trước vì chưa biết khi nào mới có hàng trở lại. Riêng vàng nữ trang và các bộ sưu tập vàng cưới vẫn còn nhiều.

Tại tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh), khách hàng mua bán khá tấp nập nhưng cũng bị hạn chế mua từ 2-5 lượng vàng SJC và dưới 5 chỉ vàng nhẫn, tùy ngày. Công ty SJC cũng giới hạn khách mua 5 chỉ vàng miếng SJC và 5 chỉ vàng nhẫn/người/ngày, nhưng không phải lúc nào cũng mua được.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, các giải pháp quản lý thị trường vàng mà NHNN và các bộ, ngành thực hiện thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực, thu hẹp mạnh khoảng cách chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới từ mức khoảng 20 triệu đồng/lượng trước đây xuống còn 4-5 triệu đồng.

Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây rủi ro cho thị trường và giảm niềm tin của người dân.

Bán không dễ

Không chỉ mua khó mà hiện nay việc bán vàng, đặc biệt là vàng miếng SJC cũng rất khó khăn. Trước đây, chỉ có vàng nhẫn mới có tình trạng mua ở đâu thì bán lại chỗ đó, và nay tình trạng bán vàng SJC cũng tương tự. Hiện chỉ riêng Công ty SJC vẫn mua lại các loại vàng SJC dù không có hóa đơn hoặc mua ở những nơi khác.

Còn các cửa hàng PNJ cho biết, không mua vàng nhẫn của các thương hiệu khác và chỉ mua lại vàng miếng SJC do PNJ bán ra. Trong trường hợp người bán đã mua vàng SJC tại PNJ nhưng mất giấy tờ thì công ty kiểm tra thông tin mua hàng trước đó, nếu đúng thì sẽ mua lại.

“Đối với vàng SJC không phải do PNJ bán, dù có hóa đơn mua tại nơi khác, chúng tôi cũng không thu vì kiểm tra vàng khó khăn”, quản lý một cửa hàng của PNJ cho hay. Tương tự, các trung tâm mua bán vàng Doji cũng không thu mua các loại vàng nhẫn thương hiệu khác, riêng vàng miếng SJC chỉ mua loại 1 lượng SJC 2 ký tự (seri được SJC sản xuất sau năm 1996 - PV) còn vỉ ép mới, không móp méo.

Tiệm vàng Mi Hồng cũng chỉ thu mua vàng SJC có giấy tờ, hóa đơn hoặc vàng do tiệm vàng bán ra. Trong khi tại các tiệm vàng quanh khu vực chợ An Đông (quận 5) đều từ chối mua lại vàng miếng SJC, vì theo quy định tiệm vàng không được mua bán loại vàng miếng này. “Trước đây, chúng tôi còn giao dịch “chui” nhưng hiện đang đợt thanh tra gắt gao nên không nhận mua lại vàng SJC và các loại vàng không có biên nhận nữa”, chủ một tiệm vàng cho hay.

Trước thực trạng bán vàng chính thống khó khăn, người dân phải mua vàng “chui” khi có nhu cầu và phải chịu chênh lệch giá từ 1-1,5 triệu đồng/lượng so với hệ thống bán vàng chính thống. Đại diện một NHTM Nhà nước tại TPHCM cho biết, người dân mua bán “chui” sẽ gặp rủi ro, có nguy cơ mua phải vàng giả, vàng không rõ nguồn gốc. Vì vàng miếng SJC đều được quản lý bởi số seri, như một mã số định danh gắn với miếng vàng đó.

Các ngân hàng hiện bán vàng ra đều phải lưu trữ số căn cước công dân và xuất hóa đơn điện tử. Hóa đơn đó sẽ có số seri của miếng vàng và được lưu trữ trên hệ thống. Nghĩa là, sau này khi truy xuất nguồn gốc sẽ xác định được miếng vàng này được bán từ đâu, bán cho ai. Do vậy, người dân mua vàng trôi nổi bên ngoài cần cân nhắc, nếu sau này phải chứng minh nguồn gốc của vàng.

Giám sát chặt thị trường vàng

Ngày 16-10, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM thông tin, sẽ tiếp tục tập trung phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng.

Theo đó, cơ quan này xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng vàng; tăng cường công tác quản lý địa bàn; chủ động phối hợp các lực lượng chức năng tại địa phương, nhất là phối hợp lực lượng công an các quận, huyện, NHNN Việt Nam chi nhánh TPHCM giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu…

Trước đó, Cục QLTT TPHCM đã đồng loạt ra quân kiểm tra, tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm (hàng nhái, không rõ xuất xứ, không hóa đơn…) tại hàng chục điểm kinh doanh vàng trên địa bàn TPHCM.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục