Trực tuyến nhưng phải... chứng thực
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết hạn sử dụng ghi trong GPLX ô tô hạng B2, do vậy, khi nghe báo, đài đưa tin từ ngày 15-11 ngồi ở nhà vẫn có thể đổi được GPLX, anh Hoàng Văn Trọng (ở phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai) rất phấn khởi và tìm hiểu ngay cách thức đổi GPLX qua Cổng dịch vụ công quốc gia để không phải xếp hàng làm thủ tục tại cơ quan cấp đổi. Tuy nhiên, anh Trọng gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện các thao tác. Cụ thể, đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để khai báo thông tin, đến phần giấy khám sức khỏe điện tử, anh Trọng lúng túng vì chỉ có giấy khám sức khỏe bằng giấy. Đọc lại hướng dẫn, anh mới biết phải đến UBND phường làm chứng thực điện tử giấy khám sức khỏe rồi mới tiếp tục thực hiện được.
“Đã gọi là đổi GPLX qua mạng thì các bước đều phải được thực hiện theo hình thức trực tuyến, đằng này vẫn phải mất thời gian đi lại làm thủ tục, mất phí chứng thực. Tôi lên thẳng bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính công của tỉnh làm thủ tục hết hơn 30 phút kể cả thời gian lấy số thứ tự; sau một tuần thì nhận được GPLX mới theo đường bưu điện”, anh Trọng nói.
Bên cạnh đó, nhiều người lại không thể đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia do số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc số căn cước công dân (CCCD) khi đăng ký tài khoản dịch vụ công không trùng với số đã đăng ký sử dụng điện thoại di dộng. Anh Nguyễn Văn Nam (phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM) cho biết, sau 3 lần đăng ký không thành công, anh mới biết cần sử dụng số CMND cũ thay vì số CCCD mới để khớp với số điện thoại mà anh đăng ký chính chủ trước đó. Tuy nhiên, CMND cũ anh Nam đã nộp lại cho cơ quan công an khi làm CCCD và do thời gian đã lâu nên không còn nhớ số. “Trước khi triển khai dịch vụ đổi GPLX trực tuyến tôi chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền kỹ nên khi thao tác, tôi mới biết các thông tin cá nhân phải đồng bộ với nhau mới làm được”, anh Nam nói.
Đối với những người chưa thao tác thành thạo trên thiết bị thông minh thì việc đăng ký đổi GPLX trực tuyến lại càng gặp khó khăn bội phần. Chị Phạm Thị Liên (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) khẳng định, tốt nhất là cứ đổi trực tiếp vì nhiều người hiện chưa biết sử dụng máy tính, khi khai báo sửa đi sửa lại nhiều lần rất phiền, nộp trực tiếp sai ở đâu thì sửa ở đó. Nguyên nhân là do việc khai báo thông tin trực tuyến còn nhiều thủ tục phức tạp. Theo chị Liên, cơ quan chức năng nên tiếp tục cho người dân lựa chọn 2 hình thức là đổi trực tuyến hoặc trực tiếp. Riêng chị Liên thích nộp trực tiếp hơn vì có người hướng dẫn cụ thể; trực tuyến thì chỉ nói cho có chứ không phải hướng dẫn. Chị Liên cho biết thêm, có người quen của chị hồ sơ nộp 2 tháng nay nhưng vẫn chưa xong, nếu nộp trực tiếp có lẽ đã xong từ lâu.
Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, khi biết GPLX được phép đổi qua mạng người dân rất hào hứng, nhưng khi thao tác thực tế gặp khó khăn nên nhiều người bỏ cuộc. Bởi, việc thực hiện đổi GPLX qua mạng khá bất cập vì phải qua nhiều bước như truy cập cổng thông tin dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động... Đây là lý do người dân còn ngại việc đổi GPLX trực tuyến và chọn đổi trực tiếp.
Trước hết, phải thừa nhận các cơ quan quản lý nhà nước đã rất nỗ lực trong việc triển khai cấp GPLX qua mạng. Cục ĐBVN đã khẩn trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đang chi trả 160 triệu đồng/tháng tiền thuê dịch vụ cho việc thí điểm dịch vụ cấp GPLX trực tuyến. Từ năm 2021 đến nay, cả nước đã có 12 địa phương tham gia thí điểm. Rất nhiều người dân đã hào hứng với dịch vụ này, vì tiết kiệm được thời gian, công sức. Chỉ cần ngồi ở nhà, người dân cũng có thể đổi được GPLX bằng cách gửi hồ sơ trực tuyến đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả qua bưu điện. Nhưng trên thực tế, khi bắt tay vào làm thì không đơn giản như vậy.
Theo thông tin từ Cục ĐBVN, dịch vụ đổi GPLX qua mạng hiện mới chỉ kết nối được với 3 cơ sở y tế tại Hà Nội, 8 cơ sở y tế tại Hà Nam và một số ít cơ sở ở các địa phương khác, do ngành y tế chưa mở rộng các đơn vị cung cấp dữ liệu giấy khám sức khỏe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, việc kết nối dữ liệu xử lý vi phạm của Cục CSGT cũng còn vướng mắc.
Rõ ràng, nguyên nhân việc cấp đổi GPLX qua mạng chưa hấp dẫn người dân đã được các cơ quan quản lý nhà nước xác định, đáng nói là những vướng mắc lại không được các cơ quan liên quan khẩn trương phối hợp để tháo gỡ. Hệ lụy là, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức để đi đổi GPLX trực tiếp, trong khi hạ tầng dịch vụ lại để lãng phí vì không được khai thác. Sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, cơ quan cho thấy sự nỗ lực, nhưng chưa thể mang lại hiệu quả như mong muốn.