Cuộc khảo sát nhận được sự tham gia của hơn 1.500 giáo viên từ 68 khu vực của đất nước. Theo đó, gần 97% giáo viên thừa nhận họ trực tiếp bị bạo hành tâm lý và hơn 6% nói về xâm phạm thể xác; phần lớn phụ huynh học sinh trở thành nguồn gốc gây ra bạo lực, vì vậy các giáo viên thừa nhận: cùng với một thế hệ trẻ em chưa ngoan, họ cũng phải đối mặt với thế hệ phụ huynh vô giáo dục.
Ngày 15-1, tại một trường phổ thông ở phía Tây - Nam Moscow, một học sinh lớp 8 đeo tai nghe trong giờ học vật lý và phớt lờ lời nhắc nhở của giáo viên. Khi nữ giáo viên đến tìm cách rút tai nghe ra khỏi tai, học sinh này đã giằng lại và đánh giáo viên. Kết quả là nữ giáo viên 61 tuổi bị vỡ kính và rách da đầu. Hồi năm ngoái, một giáo viên tin học ở thành phố Belgorod suýt bị sa thải vì đánh nhau với một học sinh trong giờ học. Học sinh này đi học muộn, và đáp lại lời nhắc nhở của giáo viên, cậu ta bắt đầu quát mắng thầy. Quá tức giận, giáo viên đã dùng sức đẩy học sinh ra khỏi lớp, sau đó ông bị kỷ luật.
Kết quả thanh tra sau đó đầy bất ngờ, cả cô giáo vật lý ở Moscow lẫn thầy giáo tin học ở Belgorod đã bị nhận xét “phản ứng một cách không chuyên nghiệp đối với hành vi khiếm nhã của học sinh” và “vi phạm các quy tắc đạo đức sư phạm”.
Theo Luật Giáo dục hiện hành ở Nga, học sinh dưới 15 tuổi không bị đuổi khỏi trường trong những vi phạm như trên. Đối với học sinh trên 15 tuổi, Ủy ban về các vấn đề vị thành niên chỉ có thể đuổi học sinh ra khỏi trường với sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh. Nhưng điều oái oăm là ủy ban này sẽ không bao giờ đưa ra quyết định đuổi học, bởi vì sau đó họ sẽ phải thu xếp cho học sinh bất trị này vào học một trường khác. Mà trong bối cảnh đó, không một trường nào chấp nhận học sinh này vì bất cứ lý do nào. Vậy họ phải hành động như thế nào theo Luật Giáo dục? Viết một bản báo cáo gửi hiệu trưởng. Nhưng họ được trả lời rằng giáo viên phải nhắc nhở học sinh. Nếu lặp lại trường hợp tương tự, giáo viên viết báo cáo lần thứ hai, và học sinh bị khiển trách (hoặc khiển trách nghiêm khắc). Tất cả chỉ có thế.
Trước vấn nạn bạo hành học đường ngày càng nghiêm trọng, Hội Nhà giáo Nga đã tổ chức hội nghị về chủ đề “Bảo vệ người giáo viên: từ lý thuyết đến hành động”. Những người tham gia đã thảo luận và đề xuất xây dựng bộ luật liên bang “Về vị thế của nhà giáo”. Sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Giáo dục và Khoa học thuộc Duma Quốc gia và Công đoàn Giáo dục toàn Nga.
Một thỉnh nguyện thư được gửi tới Ủy ban Giáo dục và Khoa học của Duma Quốc gia, với nội dung đề nghị xác định cơ chế đối phó với sự xâm phạm quyền của giáo viên, các điều kiện cần thiết để thực hiện hoạt động chuyên môn của họ, các công cụ phát triển nghề nghiệp, sự thăng tiến, và những biện pháp hỗ trợ khác nhau đối với người giáo viên.
Bà Lyubov Dukhanina, Phó Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Khoa học thuộc Duma Quốc gia, cho biết, trong thời gian tới, những điều khoản cụ thể của một bộ luật mới sẽ được thảo luận rộng rãi với giới chuyên môn.