Gian nan bóng đá học đường

Mới đây, Liên đoàn Bóng đá TPHCM đã tổ chức lễ sơ kết chương trình bóng đá học đường năm học 2014-2015 và triển khai kế hoạch thực hiện năm học 2015-2016. Đây là một trong những chương trình được thực hiện thông qua sự phối hợp giữa hai Sở Giáo dục - Đào tạo và Văn hóa - Thể thao TPHCM.

Mới đây, Liên đoàn Bóng đá TPHCM đã tổ chức lễ sơ kết chương trình bóng đá học đường năm học 2014-2015 và triển khai kế hoạch thực hiện năm học 2015-2016. Đây là một trong những chương trình được thực hiện thông qua sự phối hợp giữa hai Sở Giáo dục - Đào tạo và Văn hóa - Thể thao TPHCM.

Bên cạnh một số thành tích đã đạt được trong năm qua như cổ vũ phong trào rèn luyện thể dục thể thao nói chung và tập luyện bóng đá nói riêng của học sinh thành phố, giúp các em có thêm điều kiện nâng cao thể lực, giáo dục tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm thông qua bộ môn đá bóng, đáp ứng yêu cầu “học mà chơi, chơi mà học” của ngành tiểu học, chương trình vẫn gặp không ít khó khăn như điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi và trang thiết bị tập luyện còn nhiều hạn chế. Đa số các trường mới tổ chức giảng dạy trên sân đất hoặc nền xi măng nên hiệu quả bị hạn chế. Theo thống kê, hiện nay mới có khoảng 20% trường học đảm bảo đủ điều kiện sân bãi phục vụ công tác giảng dạy. Ngoài ra, trình độ giáo viên, sự tham gia, chia sẻ của phụ huynh -  đặc biệt phụ huynh ở các huyện ngoại thành, cũng là hai trong số những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều khiến những người có mặt tại buổi lễ sơ kết hôm đó cảm thấy lo lắng chính là vấn đề tài chính và kinh phí thực hiện chương trình. Theo một giáo viên dạy thể dục ở quận 12, dù văn bản ghi rõ, đối với mỗi giáo án trong chương trình bóng đá, giáo viên được hỗ trợ 100.000 đồng/giáo án nhưng trên thực tế, giáo viên chẳng những chưa được nhận hỗ trợ mà còn phải bỏ tiền túi ra mua bóng cho học sinh tập luyện. Đồng quan điểm, một phó hiệu trưởng trường tiểu học ở huyện Hóc Môn cho biết, kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình bóng đá học đường hiện nay chưa rõ ràng nên chưa thể kêu gọi sự chủ động và nhiệt tình tham gia của các thầy cô.

Đáp lại những băn khoăn này, chuyên gia Đoàn Minh Xương, Phó ban tổ chức chương trình Bóng đá học đường, đồng thời cũng là người đã dành rất nhiều tâm huyết, đồng hành cùng chương trình ngay từ những ngày đầu “thai nghén”, cho biết: “Nếu đồng loạt chi tiền hỗ trợ giáo viên, tổng số tiền bỏ ra sẽ rất lớn, Liên đoàn Bóng đá TPHCM hiện không thể kham nổi. Do đó, chúng tôi kêu gọi các trường bằng cái tâm và trách nhiệm của mình, cố gắng làm tốt trong thời gian đầu để chương trình tạo được tiếng vang lớn, nếu được đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa (hiện nay bóng đá học đường mới được xếp vào chương trình ngoại khóa - PV) thì các trường sẽ được phân bổ kinh phí thực hiện. Trước mắt, để có tiền hỗ trợ các thầy cô, chỉ có thể kêu gọi sự đồng hành và chia sẻ của ban giám hiệu các trường”. Nói ra như vậy để thấy, dù dành nhiều tâm huyết cho giáo dục thành phố, muốn đem bộ môn bóng đá phổ biến ở các trường tiểu học, nhưng khi đụng đến vấn đề “đầu tiên - tiền đâu” đều khiến các nhà tổ chức đau đầu.

Không ai muốn để một chương trình với nhiều tâm huyết, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh thành phố sớm đi vào ngõ cụt vì vấn đề kinh phí. Với con số dự kiến sẽ có đến 8.000 học sinh tham gia trong năm học 2015-2016, trách nhiệm đặt trên vai những người tổ chức sẽ vô cùng lớn. Về lâu dài, cần có thêm nhiều ủng hộ từ các doanh nghiệp, các đơn vị đối tác, đặc biệt là sự đồng hành, chia sẻ của các cấp lãnh đạo ngành giáo dục để một chương trình hay, đang ngày càng khẳng định được vai trò và ý nghĩa của nó, phát huy được tối đa các mục tiêu, giá trị đã đề ra.

 THU TÂM

Tin cùng chuyên mục