Vi phạm trên nhiều lĩnh vực
Trong một hội thảo thường niên về bản quyền và quyền sao chép được tổ chức tại TPHCM mới đây, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM, kể, có lần anh được một bậc đàn anh cùng nghề tặng cuốn sách về một nhân vật lịch sử mà ảnh bìa là bức ảnh do chính anh chụp. Có điều, bức ảnh đó không đề tên tác giả. Khi được hỏi thì người này thản nhiên trả lời: “Anh tìm trên mạng, thấy ảnh đẹp nên anh lấy dùng. Bây giờ mới biết là ảnh của em”. Kết quả của cuộc gặp đó là hai người… đành cười vui với nhau!
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Có lần, NSNA Nguyễn Xuân Hãn vô tình vào website muoibaclieu.com.vn và phát hiện trang này sử dụng đến 15 ảnh của anh, nhưng không xin phép, không ghi tên tác giả cũng không dẫn nguồn…
Hay trường hợp NSNA Tạ Quang Bảo phát hiện một khách sạn lớn ở Hà Nội treo hơn 100 bức ảnh của ông mà không hề xin phép. Khi được hỏi, phía khách sạn cho rằng họ tìm lên mạng và vô tư lấy sử dụng.
Theo NSNA Đoàn Hoài Trung, trong thời đại công nghệ 4.0, nhiếp ảnh là lĩnh vực phát triển nhanh, đa dạng hàng đầu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Lực lượng hoạt động nhiếp ảnh cũng tăng nhanh chóng, có thể cho ra đời hàng triệu bức ảnh mỗi ngày. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những vi phạm ngày càng nhiều với những phương thức, thủ đoạn khác nhau.
“Tình trạng vi phạm bản quyền nhiếp ảnh diễn ra khá phổ biến, nhất là trên các trang mạng xã hội, website của các doanh nghiệp…”, NSNA Đoàn Hoài Trung cho biết.
Không chỉ ở lĩnh vực nhiếp ảnh, mà tình trạng xâm phạm bản quyền còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật sư Phan Law, cho biết, hiện có hơn 300 đầu sách của NXB Trẻ đang bị làm giả, làm lậu. Đây là nhóm 20% thuộc sách bán chạy nhất, đem lại 80% doanh số cho đơn vị này. Riêng trên nền tảng số, việc vi phạm bản quyền sách dưới hình thức sách pdf, sách nói diễn ra rất phức tạp, gây thiệt hại lớn không chỉ đối với các đơn vị xuất bản mà còn đối với các đối tác, đơn vị NXB cấp quyền.
Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, trong 5 tháng đầu năm nay, có 66.433 trường hợp vi phạm bản quyền đối với phim Việt Nam (do kênh K+ sở hữu) trên các nền tảng số, đã xử lý được 46.684 trường hợp. Đối với chương trình phát sóng bóng đá, riêng mùa giải 2023-2024, đã có hơn 5,8 triệu trường hợp vi phạm, chủ yếu là trên nền tảng facebook.
Chưa có giải pháp căn cơ
Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (Vietrro) được thành lập vào năm 2010 với chức năng chính là đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, được quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ. Đến nay, Vietrro đã ký hợp tác song phương với 22 tổ chức từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Hungary, Philippines…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Sánh, Phó Chủ tịch thường trực Vietrro, 14 năm qua, các thành viên của Vietrro đã đi từ Bắc vào Nam, tổ chức nhiều hội thảo để nâng cao nhận thức của xã hội về bản quyền, nhưng đến nay mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ. “Căn nguyên của tình trạng vi phạm bản quyền là nhận thức của người sử dụng. Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này là việc cực kỳ gian nan”, bà Nguyễn Thị Sánh chia sẻ.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, lĩnh vực bản quyền rất phức tạp và các câu chuyện ngày càng khó. “Trong năm 2023, chúng tôi xử lý 5,8 triệu trường hợp xâm phạm bản quyền online. Nếu những năm trước, mỗi năm chúng tôi xử lý từ 1-5 website thì trong năm 2023 đã đóng 1.000 website vi phạm. Con số này cho thấy, việc chống xâm phạm bản quyền ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ chứ không phải là không làm gì”, luật sư Phan Vũ Tuấn thông tin thêm.
Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung cho rằng, việc vi phạm các tác phẩm nhiếp ảnh diễn ra thường xuyên, tuy nhiên vấn đề xử lý vi phạm lại rất ít được những người có trách nhiệm quan tâm. Tác quyền trong nhiếp ảnh được pháp luật bảo vệ, nhưng thực tế, khi tác giả bị xâm phạm bản quyền lại rất ít khi được bảo vệ. Thực trạng này đang tạo ra một tiền lệ xấu mà những người bị vi phạm bản quyền không biết kêu ai.
Từ đó, NSNA Đoàn Hoài Trung đặt vấn đề: “Hiện nay, chưa có một công cụ nào được coi là tiêu chuẩn trong vấn đề kiểm soát, phát hiện một cách chủ động các hoạt động vi phạm trên không gian mạng liên quan đến nhiếp ảnh nói riêng và các lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung. Điều này đặt ra nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm”.