Về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Lê Minh Trí nói: “Phải thấy rằng thời gian qua chúng ta xử lý liên quan đến tội kinh tế, chức vụ nhưng yếu tố tham nhũng rất ít, vì yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt không dễ chứng minh. Gần đây chúng ta đã làm được, nhưng phải nói là hết sức khó khăn”.
Phản hồi ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, ông Lê Minh Trí phát biểu: “Các đồng chí có nói nhận hối lộ nhiều triệu đô la nhưng mới lấy được vài trăm triệu, đó cũng là một cuộc đấu tranh. Người ta nhận rồi nhưng người khác giữ, không chịu nộp lại thì cũng phải tiếp tục đấu tranh, không còn cách nào khác. Mình còn đang bảo vệ quyền con người, phải có lộ trình và chặt chẽ chứ không phải nói thế là kê biên nhà người ta ngay được. Việc đưa tiền không có giấy tờ gì đâu, dù biết người đó giữ nhưng muốn lấy lại cũng phải theo quy định của pháp luật”.
Theo Viện trưởng Viện KSNDTC, tuy rất nóng ruột muốn thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng phải làm chặt chẽ, vì luôn phải bảo đảm cả hai yêu cầu: quyền con người và cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Về phân công thụ lý điều tra vụ án, ông Trí cho biết, có những vụ án để dưới địa phương thậm chí một, hai nhiệm kỳ không làm rõ được, đặc biệt là án tham nhũng.
“Điển hình như vụ gian lận thi cử ở Sơn La vừa rồi. Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhưng bây giờ trên Trung ương đang định điều về điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung 7 đối tượng nữa. Nhưng ở tỉnh lúng túng không làm được. Vụ thi cử thực tế không thuộc án Ban chỉ đạo, nhưng để ở dưới địa phương không làm được. Mới sáng nay, đồng chí Nguyễn Hoà Bình (Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình – PV) cũng trăn trở nói với tôi, tội đó phải là đưa, nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ không chính xác, vì có yếu tố nhận tiền.
Về văn bản đóng dấu “mật”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, VKSNDTC đã dự thảo danh mục bí mật nhà nước độ mật, tuyệt mật, tối mật của ngành kiểm sát và đang xin ý kiến các cơ quan, đơn vị chức năng, sau đó sẽ đề nghị Bộ Công an thẩm định và trình Thủ tướng ký quyết định ban hành. “Tới thời điểm này vẫn phải theo danh mục mật hiện đang có hiệu lực thi hành”, ông Lê Minh Trí khẳng định và giải thích thêm, án điều tra xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp khi đang điều tra là bí mật công tác. Chưa xét xử thì vẫn là mật, còn mật ở mức độ nào thì tuỳ trường hợp.