Trường học, nhà thi đấu… là những địa điểm ưu tiên được chọn làm nơi bố trí ở tạm. Tuy nhiên, việc tổ chức được các điều kiện để người dân sinh sống tạm khoảng 3 tuần tại đó là không đơn giản.
Giảm nguy cơ lây nhiễm
Hiện nay, quận Bình Thạnh đang rà soát để tiếp tục di dời người dân tại các khu vực đông dân cư, khu nhà hẻm sâu, nhà nhỏ trên và ven kênh rạch, gia đình có người trên 65 tuổi, có bệnh nền tại các phường 15, 22, 24… đến các khách sạn, nhà nghỉ. Hoạt động này nhằm thực hiện kế hoạch di dời 2.000 người dân đang sinh sống tại các khu nhà trọ, nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch, nhà trong các hẻm sâu dưới 2m đến vùng an toàn, tránh khả năng bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Từ cuối tháng 7-2021, quận 7 đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các khu nhà trọ, nhà tạm ở hẻm nhỏ là rất cao. Do đó, quận tổ chức giãn dân tại các khu nhà trọ, khu dân cư tạm theo nguyên tắc giảm 50% số nhân khẩu trong gia đình hoặc 50% số người/phòng. Ví dụ, một phòng có 4 - 6 người ở sẽ được giãn còn 2 - 3 người. Để thực hiện nhiệm vụ này, các phường vận động chủ nhà trọ, chủ khách sạn mini trên địa bàn giảm giá phòng trọ. Đến nay, quận vận động được 160 chủ nhà trọ, chủ khách sạn chung tay giãn dân với khoảng gần 700 phòng, bố trí cho nhiều công nhân tại khu nhà trọ chật hẹp đến ở tạm.
Gần đây, quận 7 tiếp tục tập trung giãn dân đối với người trên 65 tuổi, người có bệnh béo phì. Theo đó, quận vận động và được Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân bố trí khu ký túc xá với hơn 800 phòng để đưa người dân vào ở. Ở nơi lưu trú tạm này, người dân còn được địa phương hỗ trợ các suất ăn và chăm lo y tế. Tại buổi sơ kết về việc chăm lo sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội ở quận, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái yêu cầu, việc giãn dân tại các khu nhà trọ đông người, khu nhà tạm ở các hẻm nhỏ dưới 2m, đặc biệt là người trên 65 tuổi, người có bệnh béo phì... phải được thực hiện rốt ráo. Trong đó, các phường tiếp tục vận động chủ nhà trọ, chủ khách sạn tham gia cùng địa phương trong việc giãn dân, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Thiếu mặt bằng, địa điểm giãn cách
Quận Bình Thạnh và quận 7 là những điển hình trong việc giãn dân ở khu vực lụp xụp để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng để làm được thì không dễ dàng. Thời gian qua, trong nỗ lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhiều mặt bằng, cơ sở đã được tạm chuyển công năng sang làm khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến để tiếp nhận F0 tới điều trị, cách ly. Vì vậy, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng, địa điểm để người dân ở tạm.
Ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết, quận có nhiều khu nhà trọ đông đúc, nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch. Quận rất muốn vận động người dân tạm di chuyển đến nơi ở mới để giảm nguy cơ lây nhiễm nhưng chưa có địa điểm phù hợp.
Trong khi đó, TP Thủ Đức đang vận hành 58 cơ sở cách ly, thu dung điều trị Covid-19. Các cơ sở này được trưng dụng từ các khu chung cư chưa có người ở, trường học, ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM và trường đại học trên địa bàn. Vì vậy, dù có tới hơn 260.000 công nhân ở trọ, nhiều dãy nhà trọ đông công nhân nhưng địa phương này cũng không còn địa điểm để giãn dân. Điểm sáng là TP Thủ Đức đã vận động các chủ nhà trọ dành phòng còn trống, đưa “F1 xa” (tiếp xúc xa với F0) vào ở nhằm giãn cách, giảm nguy cơ lây nhiễm trong phòng trọ.
Trước các khó khăn về khu vực bố trí giãn dân, huyện Cần Giờ khẳng định, địa phương nào có nhu cầu mượn địa điểm, huyện sẵn sàng hỗ trợ. Tuy vậy, đồng chí Ngô Văn Luận, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, cho rằng, không nên di chuyển người dân từ quận, huyện này sang địa phương khác, vì sẽ gây xáo trộn lớn đến đời sống người dân. Việc di chuyển tạm người dân để giảm mật độ dân cư trong thời gian giãn cách xã hội chỉ nên thực hiện trong nội bộ quận, huyện; phát huy nguồn lực tại chỗ, tránh tạo thành làn sóng làm cho mọi chuyện xáo trộn thêm.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, việc đưa người dân không mắc Covid-19 ở vùng có nguy cơ cao đến sinh sống ở những nơi mới, để đảm bảo giãn cách, chỉ được thực hiện với điều kiện nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Nếu nơi ở mới không tốt hơn thì kiên quyết không thực hiện và tránh để trở thành xu hướng “di dân, giãn dân” ở các quận, huyện. |