Vừa đi học về, nghe tôi hỏi: “Hôm nay con đi học có gì vui?”, con gái đang học ở một trường THPT nhăn mặt, thổ lộ điều ấm ức, bực dọc mới gặp ở trường. Cháu kể rằng giờ học môn Văn, có vài học sinh nói chuyện riêng trong lớp khiến cô bực mình trách móc lớp học đủ điều và lôi ra đủ thứ chuyện không đầu, không đũa trút lên đầu học trò.
Nếu cô phê bình trúng ý thì trò lắng nghe, đằng này cô tuôn ra toàn những chuyện tiêu cực, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của học sinh. Nào là chuyện bực mình với ban giám hiệu, nào là chuyện riêng, chuyện đời tư. Không dừng ở đó, cô còn dè bỉu học sinh là không lo học hành, chạy theo phong trào văn nghệ, văn gừng làm gì… Nghĩa là nhớ chuyện gì cô tuôn ra chuyện đó và bắt học trò ngậm tăm chịu trận. Sau khi trút nỗi ấm ức, con gái tôi kết luận: “Chẳng lẽ thầy cô có quyền nói đủ thứ và trút lên đầu học trò những chuyện không ăn nhập gì đến kiến thức môn học…”. Được biết sau khi cô giáo tạm ngừng câu chuyện “nói dài, nói dai” mất gần nửa giờ học và bắt đầu tiết học thì học trò… cụt hứng. Chẳng đứa nào muốn nghe cô giảng. Các em im lặng nhưng ngầm phản ứng và chất chứa ấm ức trong lòng không biết giải tỏa cùng ai.
Có lẽ câu chuyện con gái tôi phản ánh không phải cá biệt. Nhiều phụ huynh cũng than phiền về việc con em của mình gặp phải giáo viên có “tật” thích nói dài, nói dai và lên lớp bằng những câu chuyện không vui, phản ánh tâm trạng bất ổn, thậm chí bất mãn của họ. Lẽ nào được đứng trên bục giảng là thầy cô có quyền rao giảng, trách móc hay dè bỉu học sinh - lứa tuổi nhạy cảm về tâm sinh lý và rất cần sự định hướng, sẻ chia và động viên của người lớn. Đừng nghĩ đơn giản nói gì các em cũng phải nghe và quyền được nói của thầy cô là tối thượng. Chúng ta đang hướng đến nền giáo dục mở - thực học - thực hành và lấy học sinh làm trung tâm. Vì thế, thầy cô phải trau dồi kỹ năng sư phạm, thấu hiểu về tâm lý để lắng nghe và thấu hiểu học sinh muốn gì. Ngay cả khi các em làm sai, có hành vi lệch lạc, suy nghĩ chưa chín chắn thì thầy cô cũng phải nâng đỡ, uốn nắn học trò đi đúng đường ngay. Một khi thầy cô không làm chủ được cảm xúc hoặc rơi vào tình trạng “giận cá chém thớt” thì học sinh trở thành nạn nhân, hứng chịu sự bực dọc và những bài rao giảng lan man, khiến trò… cụt hứng. Để giờ học có ý nghĩa và học sinh vui vẻ tiếp thu kiến thức mới thì người thầy phải biết truyền lửa, tạo hứng thú và khơi dậy niềm đam mê học tập nơi học sinh
Hạ Linh