Giảm xe quá tải, dồn hàng ở các cửa ngõ

Nhiều trường hợp vi phạm tải trọng, hiện tượng dồn hàng sang tải ở khu vực các cửa ngõ ra vào thành phố đã bị thanh tra viên của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (TTGTVT) TPHCM phát hiện, xử phạt trong 6 tháng đầu năm nay.

 

Xe container lưu thông trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: THÀNH TRÍ
Xe container lưu thông trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: THÀNH TRÍ

Xử lý nghiêm

Ngày 29-6, khi tuần tra trên đường 990 thuộc phường Phú Hữu (quận 9), các thanh tra viên của Đội 5 TTGTVT phát hiện xe đầu kéo 51C-646.67 kéo theo sơ mi rơ moóc 51R-104.29 dừng đậu không sát lề đường phía bên phải theo chiều đi. Không những thế, khi kiểm tra qua cân thực tế, các thanh tra viên ghi nhận xe có tổng trọng lượng 52.270kg, bao gồm cả hàng hóa trên xe. Với khối lượng thực tế này, xe tải đã chở hàng vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông.

Trước đó, vào ngày 13-4, lực lượng tuần tra của Đội 5 TTGTVT phát hiện và lập biên bản xử lý đối với ô tô đầu kéo 61C-328.78, kéo sơ mi rơ moóc 61R-028.83 đang lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2) với 2 container loại 20 feet có tổng trọng lượng xe và hàng là 56.820kg. Vi phạm của phương tiện này là chở hàng vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông. Hai ngày sau (15-4), xe đầu kéo 51H-6708 kéo theo sơ mi rơ moóc 51R-086.48 do Công ty TNHH Thiên Phú làm chủ phương tiện cũng bị Đội 5 TTGTVT lập biên bản xử phạt tại gần giao lộ D2 và xa lộ Hà Nội (đoạn thuộc quận 9) cũng do lỗi vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép từ 30% - 50%.

Gần đây nhất, ngày 28-6, chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Tuấn bị Đội 5 TTGTVT xử phạt vi phạm hành chính vì tự ý cải tạo vỉa hè trái phép để làm lối ra vào bãi xe tại địa chỉ 1161 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2. Chi nhánh này vi phạm vì thành lập bãi đậu xe nhưng không được cấp phép trên phần đất tại địa chỉ trên. Ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội 5 TTGTVT TPHCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 735 trường hợp xe quá tải và sang hàng dồn tải với số tiền xử phạt 225.950.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng đối với 8 trường hợp.

Không chỉ khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố, ở cụm khu vực cửa ngõ miền Tây cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến tải trọng của các loại phương tiện. Trong nửa đầu năm nay, lực lượng thanh tra viên thuộc Đội 4 TTGTVT cũng lập biên bản xử lý 259 trường hợp vi phạm tải trọng, tước giấy phép lái xe trong 2 tháng đối với 84 trường hợp, 2 trường hợp bị tước giấy phép lái xe 3 tháng, tạm giữ phương tiện 1 trường hợp.

Cái khó ở địa bàn trọng điểm

Không phải ngẫu nhiên mà khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố lại phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm tải trọng và dồn hàng sang tải thuộc loại cao nhất thành phố. Đó là do tính chất đặc thù của cụm các quận 2, 9 và Thủ Đức nằm ở cửa ngõ phía Đông TPHCM tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai - vốn dĩ có lưu lượng phượng tiện tham gia giao thông đông đúc qua các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ 1, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, các Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghệ cao…

Không những thế, khu vực cửa ngõ này còn có nhiều bến cảng, kho bãi hàng hóa như cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng ICD Sotrans, Khu công nghiệp Cát Lái… thường xuyên có mật độ phương tiện vận tải hàng hóa cao; đặc biệt loại phương tiện đầu kéo container ra vào các kho bãi, cảng để thông thương hàng hóa. Các chuyên gia ước tính, trong thời gian cao điểm tại cảng Cát Lái, bình quân mỗi ngày có đến 20.000 - 22.000 lượt phương tiện ra vào cảng. Thêm vào đó, tình hình đầu tư, kinh doanh bất động sản đang ấm lên nên việc phát triển, đầu tư, xây dựng các dự án, khu thương mại, cao ốc trong thời gian qua tại khu vực cửa ngõ này cũng rất lớn. Chính sự tụ hội này đã dẫn đến tình trạng phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng… tăng lên, để rồi hệ quả gia tăng thêm áp lực lưu thông và an toàn giao thông trên địa bàn.

Tương tự, khu vực cửa ngõ phía Tây cũng tập trung nhiều điểm nóng như Bến xe miền Tây, khu vực xung quanh Trạm cân tải trọng số 2 trên đường Nguyễn Văn Linh…

Theo nhận xét của ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, trên khía cạnh quản lý, vấn đề hiệu quả của công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ phụ thuộc nhiều vào 2 yếu tố. Đó là cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các lực lượng chức năng, bao gồm TTGTVT, Cảnh sát giao thông, lực lượng Thanh niên xung phong… Ngoài ra, cũng phải kể đến yếu tố kiểm soát, ngăn ngừa từ gốc các hành vi vi phạm tải trọng.

Cho đến nay, yếu tố thứ nhất đã được đảm bảo khi có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng trong quy trình kiểm tra tải trọng phương tiện. Theo đó, phần việc của Cảnh sát giao thông là dừng phương tiện, Thanh tra GTVT đảm trách kiểm tra giấy tờ của phương tiện và tiến hành cân xe, còn Thanh niên xung phong làm công việc hướng dẫn phương tiện ra vào trạm cân. Một khi phát hiện phương tiện vi phạm, thông thường Thanh tra GTVT sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ngoại trừ khi có nhiều lỗi hỗn hợp sẽ do Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt.

Trong khi đó, với mục tiêu ngăn chặn chất hàng quá tải từ nguồn, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp với Công an TPHCM tổ chức ký cam kết với hàng chục đơn vị đầu mối hàng hóa lớn là các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, bến, kho hàng lớn trên toàn địa bàn thành phố, về kiểm soát tải trọng tại đầu mối hàng hóa. Sau đó, 2 đơn vị trên tiếp tục ký cam kết cùng nội dung tương tự với 34 bến thủy nội địa. Các bên ký kết cam kết cụ thể là không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép trước khi tham gia giao thông. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Nam cho biết thêm, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý lái xe, chủ xe vi phạm chở hàng quá tải, Đội 5 TTGTVT cũng phối hợp với lực lượng Cảng vụ Hàng hải TPHCM vào tận các kho bãi kiểm tra và vận động chủ kho bãi cam kết không chứa chấp hoặc bốc xếp hàng hóa sang hàng dồn tải lên xe đầu kéo từ các kho bãi bên ngoài gần cảng Cát Lái như khu vực đường nội bộ Khu công nghiệp Cát Lái, đường Lê Phụng Hiểu, đường Nguyễn Thị Định, quận 2…

Tin cùng chuyên mục