Còn theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn, đến năm 2021 đã có 37 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT trên 90% và còn 6 tỉnh có tỷ lệ bao phủ dưới 85% là: Bạc Liêu, Đắk Lắk, Gia Lai, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh.
Mục tiêu mà Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương đề ra là đến năm 2025 có 95% dân số có BHYT và đến năm 2030 có trên 95% dân số.
Tuy nhiên, không chỉ chính sách BHXH đang gặp khó khăn khi gia tăng số người lao động rút BHXH một lần, mà BHYT cũng có những khó khăn khi phát triển đối tượng mới. Theo ông, một trong những băn khoăn về tính bền vững là chính sách này đã thực sự hấp dẫn người dân chưa?
"Người ta chỉ tham gia BHYT một cách tự giác và đồng ý bỏ tiền túi nếu thực sự mang lại quyền lợi sát sườn của họ", ông Sơn nói.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH, khó khăn trong bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT là tỷ lệ chi phí người bệnh phải tự trả từ tiền túi còn cao và người bệnh BHYT phải chi trả chi phí chênh lệch giá dịch vụ y tế rất khác nhau khi đi khám chữa bệnh.
"Vẫn còn 45-50%, thậm chí cao hơn, mức chi phí mà người dân phải chi trả bằng tiền túi và chính điều này làm cho chính sách BHYT của chúng ta kém hấp dẫn", ông Sơn nói.
Theo ông, giảm tiền túi của người dân khi khám chữa bệnh phải là quyết tâm chính trị thì mới làm được.
Đề cập giải pháp để bao phủ BHYT cho gần 10% dân số còn lại, ông Sơn cho rằng, cần hướng tới các đối tượng như: học sinh, sinh viên sau năm thứ 2 trở đi; hộ gia đình, nhất là chủ sử dụng lao động vẫn đang trốn đóng BHYT cho người lao động...
Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo tính bền vững, không để bội chi Quỹ BHYT, giảm chi trả từ tiền túi người dân tham gia, cân đối mức đóng và mức hưởng một cách hài hoà, hợp lý...
"Phải coi Quỹ BHYT là cơ chế tài chính, chứ không phải quỹ từ thiện, mặc dù đây là một quỹ mang tính nhân văn, thì mới đảm bảo được sự công bằng, bền vững. Quỹ chỉ bền vững khi bền vững cả đầu vào lẫn đầu ra", ông Sơn nói.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề xuất, để bao phủ nốt 10% còn lại, ngân sách nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương bổ sung để bao cấp cho nhóm dễ bị tổn thương, hộ gia đình nghèo. Đồng thời hỗ trợ nhóm thân nhân người lao động thuộc khu vực phi chính thức; hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ gia đình mới thoát nghèo.
"Hiện nay, chúng ta bắt đầu quan tâm tới nhóm người yếu thế trong xã hội và đây chính là mục đích của an sinh xã hội", ông Sơn cho biết.
Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế mới khi tham gia BHYT là thu hút người lao động có thu nhập ổn định đóng BHYT cho thân nhân và có chế tài nghiêm khắc hạn chế tình trạng lựa chọn ngược, quy định mức đóng BHYT cao hơn hoặc truy thu tiền đóng BHYT đối với thời gian trốn đóng hoặc chậm tham gia BHYT với tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.