NLĐ lo lắng nếu tiếp tục tham gia đóng BHXH sẽ bị thiệt thòi về sau, trong trường hợp bị mất việc và thất nghiệp, có thể họ sẽ không được rút tiền BHXH một lần sau một năm nghỉ việc (nếu đã có trên 15 năm đóng BHXH, theo dự thảo Luật BHXH đề ra), hoặc nếu rút sau một năm nghỉ việc sẽ chỉ được rút phần tiền tham gia BHXH của mình mà không được phép rút toàn bộ. Dự thảo của Luật BHXH phần nào đã ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều NLĐ đang tham gia đóng BHXH.
Hiện nay, mong muốn của đa số NLĐ là được giảm độ tuổi nghỉ hưu, nhất là đối với NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thế nhưng, qua các lần tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật như Bộ luật Lao động, Luật BHXH, tuổi nghỉ hưu của NLĐ không kéo giảm mà lại tăng thêm. Điều đó cũng phần nào cho thấy, khi bắt tay vào xây dựng các chế độ, chính sách, nguyện vọng của đa số NLĐ vẫn chưa được tiếp thu, lắng nghe một cách toàn diện và thấu đáo.
Thực tế đã cho thấy, bất cứ một chính sách pháp luật nào, nhất là Bộ luật Lao động, Luật BHXH, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung cần phải đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của đa số NLĐ, nguyện vọng của người tham gia đóng BHXH. Khi chính sách đi ngược lại với nguyện vọng, quyền lợi số đông của NLĐ, người tham gia BHXH chắc chắn sẽ phát sinh những bất cập, thậm chí là những bất an của người tham gia BHXH, và nhận những phản ứng không như mong muốn.