Theo đó, mức thuế cuối cùng áp dụng với bị đơn bắt buộc và các bị đơn tự nguyện đều là 4,58%, thấp hơn nhiều so với mức thuế sơ bộ là 25,39% và thuế suất toàn quốc là 25,76%, vẫn giữ nguyên do các bên không yêu cầu rà soát.
Cùng với đó, DOC đã có kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1-8-2016 đến 31-7-2017 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. Theo đó, mức thuế sơ bộ cho 2 bị đơn bắt buộc là 1,37 USD/kg; thuế suất các bị đơn tự nguyện 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, DOC tiến hành điều tra vụ kiện bán phá giá tôm của Việt Nam tại Mỹ từ năm 2004. Toàn bộ các dạng tôm xuất khẩu đánh bắt hoặc nuôi từ Việt Nam đều nằm trong phạm vi điều tra, ngoại trừ tôm khô, tôm bột.
Trong quyết định trước đó vào năm 2013, DOC đã kết luận rằng ngành công nghiệp tôm của Mỹ không bị thiệt hại hay bị đe dọa gây thiệt hại về vật chất do việc trợ cấp của chính phủ các nước xuất khẩu tôm nước ấm đông lạnh, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, các doanh nghiệp Mỹ vẫn không ngừng theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam.
Và với kết luận mới nhất do DOC vừa đưa ra đã cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc giải trình, cung cấp thông tin cũng như sự nỗ lực của Chính phủ trong việc vận động, trao đổi, bày tỏ quan điểm với DOC tiếp tục tạo nên những kết quả tích cực.
Riêng đối với sản phẩm cá tra, cá basa, tính chung từ năm 2006 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam qua 14 đợt rà soát hành chính năm (POR) và 1 lần rà soát “hoàng hôn” vào năm 2009. So với kết luận của DOC trong những đợt POR trước đó thì mức thuế chống bán phá giá của DOC trong POR14 có lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Được biết, trước đó, trong POR13, DOC đã áp đặt mức thuế chống bán phá giá dao động từ 2,39 - 7,74 USD/kg. Mức thuế này ngay lập tức đã khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ trong năm 2017 giảm 11% so với năm 2016.
Bộ Công thương cho rằng, để đạt được kết quả trên không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp đã có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tích cực chủ động sản xuất và lưu trữ thông tin để kịp thời ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể sẽ ngày càng gay gắt và phức tạp hơn trong thời gian tới.